Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu khẩn trương cứu nạn sự cố sập hầm thủy điện Đa Dâng – Đa Chomo. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện, sử dụng các biện pháp để tập trung ứng cứu, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn đối với các nạn nhân còn bị mắc kẹt trong hầm.
Đồng thời, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn,
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 7, các đơn vị đóng quân trên địa bàn
và các đơn vị liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương khi
có yêu cầu...
Với quyết tâm cao nhất từ Thủ tướng Chính phủ, từ sự chỉ đạo trực tiếp của Phó
Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải; sự chỉ huy của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, của
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, của Quân đội, của TKV và nỗ lực
của các công nhân, nhân viên ngành Y tế trực tiếp tham gia cuộc cứu hộ, cứu nạn
12 công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng từ 7 giờ sáng ngày
16/12 đến 16 giờ 35 phút ngày 19/12, đã thành công vượt sự mong đợi. Toàn bộ 12
công nhân đã được đưa ra khỏi đường hầm bị sập an toàn, sức khỏe
ổn định.
Thúc đẩy hợp tác, phát triển các cơ sở khám chữa bệnh
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công được cử công chức, viên chức (người lao động) làm việc tại bệnh viện tư theo nguyên tắc công khai, dân chủ, tự nguyện của người lao động; được vay vốn tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo các phương thức quy định.
Ngoài ra, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công được sử dụng vốn góp, vốn vay của các tổ chức, cá nhân (kể cả công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị); Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp...
Trên đây là những cơ chế, chính sách được Chính phủ quyết nghị đẩy mạnh triển khai nhằm thúc đẩy hợp tác, phát triển các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Cụ thể theo phương án sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp, Nhà nước sẽ duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm các công ty nông nghiệp tại các địa bàn chiến lược, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Cùng với đó là chuyển công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đối với công ty nông nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là trồng, chế biến cao su tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh.
Nghị định cũng nêu rõ, thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên trên cơ sở sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nhằm thực hiện gắn kết phát triển vùng nguyên liệu và người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường…
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học (cơ sở giáo dục).
Theo quyết định, chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam có thể được dạy và học một phần hoặc hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, ưu tiên đối với các lĩnh vực toán, khoa học tự nhiên, công nghệ và tin học.
Đối với những chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục nước ngoài đã được kiểm định và công nhận về chất lượng có thể được giảng dạy một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng nước ngoài; ưu tiên giảng dạy bằng tiếng nước ngoài đối với các chương trình, môn học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản hoặc một số ngành, nghề và lĩnh vực mà xã hội có nhu cầu, phục vụ hội nhập quốc tế.
Quyết định cũng nêu rõ, đối với giáo dục phổ thông, việc kiểm tra, thi cuối năm học, cuối cấp học của các chương trình, môn học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài phải thực hiện bằng tiếng Việt. Người học có thể làm thêm bài kiểm tra, bài thi bằng tiếng nước ngoài để được hưởng chế độ khuyến khích trong học tập theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Còn đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, việc kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ đối với tất cả các chương trình được dạy bằng tiếng nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu cấp văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam...
Từ ngày 15/2/2015, việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước sẽ được thực hiện theo Quyết định mới ban hành của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước, số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính làm chủ tài khoản (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý); tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh do Sở Tài chính làm chủ tài khoản (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý) trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá (đối với trường hợp bán đấu giá) hoặc Sở Tài chính ban hành Thông báo về giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đối với trường hợp bán chỉ định). Trường hợp quá thời hạn này mà chưa nộp đủ số tiền vào tài khoản tạm giữ thì bị phạt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế...
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, các HTX được hưởng hỗ trợ chung gồm: Bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của HTX.
Ngoài việc các chính sách hỗ trợ chung kể trên, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên là những cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp còn được hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ chế biến sản phẩm...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện việc không tăng biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tuyển dụng vào không quá 50% số đã tinh giản và nghỉ hưu, thực hiện sắp xếp trong nội bộ cơ quan khi thành lập tổ chức hoặc được giao nhiệm vụ mới; kiên quyết đưa ra khỏi công vụ những người kém về năng lực, phẩm chất. Trường hợp thật cần thiết phải bổ sung biên chế, các cơ quan lập Đề án, Bộ Nội vụ thẩm định chặt chẽ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh liên quan đến việc xem xét, cân nhắc thời điểm cho phép dịch vụ vận tải hành khách ứng dụng công nghệ mạng để điều hành (Uber) hoạt động tại Việt Nam.
Hỗ trợ tiền điện 46.000 đồng/tháng cho hộ nghèo, hộ chính sách
Thủ tướng Chính phủ đồng ý mức hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội là 46.000 đồng/hộ/tháng từ ngày 1/6/2014. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tạm ứng ngân sách Trung ương năm 2014 cho các địa phương 685 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội năm 2014.
Công điện đảm bảo trật tự ATGT các dịp lễ, Tết
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành công điện về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội xuân 2015.
Công điện yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc các bộ, các Sở Giao thông vận tải có phương án tăng cường năng lực vận tải, đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện, cải tiến phương thức bán vé bằng hình thức qua mạng, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân đi lại trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Mùi; kiểm soát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tiêu cực trong hoạt động vận tải; xử lý dứt điểm tệ nạn chèn ép, sang nhượng hành khách, tăng giá vé và cước vận tải trái quy định. Chỉ đạo tổ chức vận chuyển, điều động, tăng cường phương tiện để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm không có người dân nào không được về quê ăn Tết do không có tầu xe, đặc biệt là đối với các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
Đồng thời, có phương án tổ chức, phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến giao thông trọng điểm có lưu lượng phương tiện lớn, đặc biệt là trên các trục chính ra vào các đô thị lớn, các tuyến đường kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm (cảng hàng không, cảng biển, nhà ga đường sắt, bến xe khách…)...
Phương Nhi