Công nhận 'Tri thức dân gian về Bún bò Huế' là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Quyết định 2203)

07/07/2025 17:17 PM

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định 2203/QĐ-BVHTTDL công nhận 'Tri thức dân gian về Bún bò Huế' là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Công nhận 'Tri thức dân gian về Bún bò Huế' là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Công nhận 'Tri thức dân gian về Bún bò Huế' là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Hình từ internet)

Ngày 27/6/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định 2203/QĐ-BVHTTDL năm 2025 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Công nhận 'Tri thức dân gian về Bún bò Huế' là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo Quyết định 2203/QĐ-BVHTTDL năm 2025, đã chính thức đưa "Tri thức dân gian về Bún bò Huế" vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tri thức dân gian.

Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục trên, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di săn văn hóa.

Quyết định 2203/QĐ-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 27/6/2025.

Được biết dựa trên thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bún bò Huế có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, chả (thịt bò quết nhuyễn), tiết luộc cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Thành phần tuy đơn giản là thế nhưng dưới cách chế biến tài tình, tinh tế đến mức cầu kỳ của người Huế thì bún bò đã trở thành một thương hiệu riêng của đất cố đô, chính điều đó đã tạo cho món ăn sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Bún bò Huế không đơn thuần là một món ăn đặc sản nổi tiếng trong nước và quốc tế, mà còn là sự kết tinh của hàng trăm năm tri thức dân gian được lưu truyền, bồi đắp qua bao thế hệ. Món ăn này gắn bó mật thiết với các làng nghề truyền thống như làng Vân Cù (làm bún), làng Ô Sa (sản xuất chả), cùng các tập tục ẩm thực trong đời sống tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng của người Huế.

Quy định về di sản văn hóa phi vật thể từ 01/7/2025

Di sản văn hóa phi vật thể là tri thức, kỹ năng, tập quán, biểu đạt văn hóa cùng đồ vật, đồ tạo tác, không gian liên quan được cộng đồng, nhóm người, cá nhân thực hành, trao truyền qua nhiều thế hệ và hình thành nên bản sắc văn hóa của họ, không ngừng được trao truyền, bảo vệ, tái tạo, sáng tạo, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

(khoản 1 Điều 3 Luật Di sản văn hóa 2024)

* Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể

(1) Biểu đạt và truyền thống truyền khẩu gồm các hình thức thể hiện thông tin bằng ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết, ký tự và ngữ văn dân gian;

(2) Nghệ thuật trình diễn dân gian gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu truyền thống và các hình thức trình diễn dân gian khác;

(3) Tập quán xã hội và tín ngưỡng gồm các thực hành thường xuyên, ổn định, thể hiện quan niệm, niềm tin của cộng đồng, thông qua các lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống mang bản sắc văn hóa của cộng đồng chủ thể;

(4) Lễ hội truyền thống gồm các thực hành nghi lễ và sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng, được thực hiện theo chu kỳ tại không gian văn hóa liên quan;

(5) Tri thức dân gian gồm tri thức về tự nhiên và vũ trụ, sức khỏe và đời sống con người, lao động, sản xuất, phòng bệnh, chữa bệnh, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác;

(6) Nghề thủ công truyền thống gồm các thực hành thủ công bằng tri thức, kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết, nghệ thuật cùng với công cụ, đồ vật, đồ tạo tác, nguyên vật liệu tự nhiên, tạo ra các sản phẩm mang bản sắc văn hóa của cộng đồng chủ thể.

(Điều 10 Luật Di sản văn hóa 2024)

* Tiêu chí ghi danh, ghi danh bổ sung về di sản văn hóa phi vật thể

Di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh, ghi danh bổ sung vào Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau đây:

- Là di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể;

- Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương;

- Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài;

- Biện pháp bảo vệ được đề xuất có tính khả thi;

- Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

(khoản 2 Điều 12 Luật Di sản văn hóa 2024)

Chia sẻ bài viết lên facebook 26

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079