Bổ sung hình phạt lao động phục vụ cộng đồng

02/02/2015 08:39 AM

Đề xuất bổ sung hình phạt lao động phục vụ cộng đồng (những công việc nhất định ngoài thời gian học tập) đối với người chưa thành niên bị kết án về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng.

Theo dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, tòa án sẽ căn cứ độ tuổi, tình trạng sức khỏe, khả năng và điều kiện thực tế của người chưa thành niên để xác định loại công việc và thời hạn lao động. Thời gian lao động phục vụ cộng đồng là từ 50 - 200 giờ.

Đối với người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, thời gian lao động không quá 2 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày trong một tuần. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì không quá 3 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày trong một tuần.

Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian lao động công ích: cứ 1 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 2 ngày lao động công ích.

Toà án sẽ giao người chưa thành niên bị kết án cho UBND cấp xã nơi người chưa thành niên cư trú để thi hành và giám sát.

Tuy nhiên tổ soạn thảo cũng đưa ra phương án 2, đề xuất lồng quy định này vào nội dung hình phạt cải tạo không giam giữ. Theo đó, cải tạo không giam giữ là hình phạt tự cải tạo, giáo dục tại cộng đồng, có sự giám sát của cơ quan, tổ chức, được áp dụng từ 6 tháng đến 3 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý; người này có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ: cứ 1 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 3 ngày cải tạo không giam giữ.

Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức, nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương, nơi người đó thường trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5-20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng.

Theo dự thảo, không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong trường hợp đặc biệt, tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.

Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.

Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 4 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày trong một tuần .

Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với người già yếu, phụ nữ có thai.

Theo dự thảo, người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật thi hành án hình sự. Trong trường hợp người bị kết án cố tình trốn tránh việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ thì tòa án chuyển hình phạt này bằng hình phạt tù có thời hạn: cứ 3 ngày cải tạo không giam giữ bằng 1 ngày tù.

Thế Kha

Theo Dantri

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,101

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079