Thu phí không dừng trên cao tốc: Tiết kiệm thời gian, không tăng phí

10/03/2015 16:13 PM

Hệ thống thu phí không dừng (ETC) xây dựng trên các tuyến cao tốc được kì vọng sẽ cung cấp dịch vụ hiện đại, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát và hướng tới sự hài lòng cao nhất cho người tham gia giao thông.

Trạm thu phí một dừng hiện nay gây lãng phí nhiều sức người, sức của.

Ảnh minh họa

Hiện tại, Bộ GTVT đã giao Công ty Cổ phần TASCO và Ngân hàng BIDV tổ chức triển khai thử nghiệm và vận hành toàn bộ hệ thống thu phí tự động không dừng kết hợp kiểm soát tải trọng xe tại 3 trạm gồm: 2 trạm ở Hoàng Mai (Nghệ An) tại Km604+700 trên Quốc lộ 1 và trạm Km1813+650 trên đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên.

Tiết kiệm 3.400 tỷ đồng/năm

Công nghệ thu phí không dừng (ETC) được thí điểm áp dụng tại 3 trạm thu phí là công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) do Hoa Kỳ phát triển và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Công nghệ này có nhiều ưu điểm như: Chi phí đầu tư thấp, thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện phương tiện nhanh, kết quả thu phí chính xác đến 99,99%, dễ được chủ phương tiện giao thông chấp thuận (do thẻ RFID được cấp miễn phí).

Để sử dụng dịch vụ này, chủ phương tiện sẽ được phát 1 thẻ định danh E-tag dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Tài khoản này được nạp tiền bằng nhiều kênh như: Nạp trực tiếp, qua Internet, qua ngân hàng, qua thẻ cào, gửi tin nhắn bằng điện thoại… Sau khi xe được dán thẻ E-tag chạy vào làn thu phí, hệ thống nhận diện bằng công nghệ Laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và hệ thống sẽ đọc thẻ E-tag. Hình ảnh và thông tin được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản thu phí của xe. Nếu tài khoản của xe đủ điều kiện qua trạm, thanh chắn sẽ được mở tự động để xe đi qua, đồng thời 1 tin nhắn SMS sẽ được gửi về số điện thoại đã đăng ký của chủ phương tiện thông báo xe vừa qua trạm.

Trường hợp tài khoản không đủ tiền hoặc xe không dán thẻ E-tag, hệ thống sẽ tự động chuyển sang chế độ thu một dừng MTC.

“Đây mới chỉ là giai đoạn đầu của dự án, đến giai đoạn tiếp theo sẽ không còn thanh chắn nữa”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay.

Bên cạnh hệ thống thu phí không dừng, Bộ GTVT cũng nghiên cứu áp dụng công nghệ cân xe tự động cảm biến thạch anh thay thế cho hệ thống cân tĩnh đang được sử dụng hiện nay. Công nghệ này được đánh giá phù hợp với nhiều loại hình thái thời tiết, tốc độ xe có thể dao động từ 1-230km/h, độ chính xác lên tới 98%.

Khi xe đi qua hệ thống cân tự động này, thông tin về tải trọng phương tiện quá tải sẽ được hiển thị ngay trên bảng điện tử VMS đặt bên lề đường. Tất cả hình ảnh, thông tin, dữ liệu chi tiết về tải trọng mọi phương tiện đi qua trạm cân đều được chuyển về lưu trữ tại trung tâm dữ liệu. Kết quả cân xe sẽ được sử dụng để xử phạt các phương tiện vi phạm tải trọng.

Đại diện Công ty Cổ phần TASCO, đơn vị trực tiếp xây dựng hệ thống trạm thu phí không dừng cho hay, với giả định áp dụng công nghệ tại 100 trạm thu phí và mỗi trạm có 6.000 lượt xe/ngày đêm, các nghiên cứu sơ bộ cho thấy công nghệ này sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé như hiện nay khoảng 70 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm; tiết kiệm tiền lương lái xe và hành khách tham gia giao thông khoảng 2.800 tỷ đồng/năm; giúp tiết kiệm tiền lương cho ngân sách Nhà nước khi phải chi trả cho hoạt động của trạm cân tải trọng xe lưu động khoảng 240 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí do tinh giản biên chế bộ máy hành chính khoảng 120 tỷ đồng/năm. Tổng cộng lợi ích kinh tế-xã hội hằng năm có thể ước lượng được bằng tiền mà hệ thống này có thể giúp tiết kiệm được ít nhất khoảng 3.400 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ này cũng mang lại những lợi ích gián tiếp như: Giảm ô nhiễm môi trường; giảm tình trạng giảm tốc độ dừng xe và tăng tốc trở lại nên tăng tuổi thọ động cơ; kiểm soát tải trọng xe quá tải qua đó tiết kiệm được chi phí sửa chữa; rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường và góp phần vào thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thanh toán bằng tiền mặt.

Đặc biệt, hệ thống thu phí tự động không dừng có thể quản lý được các phương tiện tham giao thông trên cả nước, từ đó có thể thực hiện được nhiều chính sách quản lý hiện đại như quản lý đăng kiểm xe, quản lý đăng ký xe chính chủ, xử phạt nguội giao thông, theo dõi điều tra các xe bị mất trộm hoặc phục vụ điều tra của cơ quan chức năng…

35 trạm sẽ đi vào hoạt động trong năm nay

Tại buổi họp báo công bố công nghệ thu phí không dừng diễn ra sáng 10/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện nay trên quốc lộ đang sử dụng rất nhiều trạm thu phí một dừng, nếu cứ tiếp tục sử dụng trạm một dừng như hiện nay sẽ gây lãng phí sức người sức của. Vì vậy, Bộ GTVT qua tham khảo nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Đài Loan, đã "đi tắt, đón đầu" lựa chọn công nghệ tốt nhất để Việt Nam không bị lạc hậu so với thế giới. Công nghệ RFID ngoài việc thu phí còn tích hợp thêm nhiều tính năng hỗ trợ quản lý khác.

“3 trạm thí điểm sẽ hoàn thành trong tháng 3 này và áp dụng thí điểm trong 2 tháng, từ tháng 5 sẽ đưa hàng loạt trạm khác vào hoạt động. Sau khi thực hiện thí điểm xong Bộ GTVT sẽ tính toán chi tiết về thiết kế mẫu cho từng trạm, tính toán về vật tư, thiết bị phục vụ cho trạm và đưa ra bộ đơn giá tiêu chuẩn cho 1 trạm là bao nhiêu, đơn giá này sẽ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về giá, các trạm còn lại căn cứ vào để tiến hành lắp đặt. Sau khi lắp đặt xong sẽ có một công ty được thành lập để chuyên duy tu, bảo dưỡng toàn bộ trạm này, đảm bảo trạm vận hành 24/24. Hệ thống này đảm bảo sự minh bạch, chính xác do sử dụng hoàn toàn phần mềm điện tử, không có tác động của con người”, Thứ trưởng cho hay.

Trả lời về việc khi sử dụng hệ thống cân xe tự động tích hợp cùng hệ thống thu phí mới có gây lãng phí số cân tĩnh mà Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ vừa đầu tư trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện nay tại các điểm bố trí công nghệ thu phí không dừng vẫn sử dụng song song với công nghệ một dừng. Tuy nhiên, trong thời gian trạm không dừng chưa áp dụng được rộng rãi thì khi xe quá tải đi qua trạm cân này, thông tin và biển số xe sẽ được báo về lực lượng CSGT ở trạm cân tiếp theo để dừng xe xử lý nên sẽ không gây lãng phí cân tĩnh.

“Xét về lâu dài, trạm không dừng chi phí xây dựng thấp hơn trạm cố định. Vì trạm cố định còn phải xây nhà cho công nhân còn trạm không dừng chỉ cần một nhà điều hành nhỏ, không cần người vận hành nên không làm tăng tổng mức đầu tư”, Thứ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng khẳng định, người hưởng lợi trực tiếp từ dịch vụ này chính là lái xe vì mức phí không tăng lại tiết kiệm được thời gian. Nhà đầu tư cho dự án BOT (ở đây là Ngân hàng BIDV) cũng yên tâm hơn khi lượng phí đi qua trạm bao nhiêu thì truyền về Ngân hàng bấy nhiêu. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chống được thất thoát, tiêu cực.

Thông tin từ Bộ GTVT cho hay, sau khi thí điểm hình thức này tại 3 trạm, Bộ sẽ có sự rút kinh nghiệm trước khi áp dụng đại trà tại 35 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 đoạn từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và QL14-đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trong năm nay.

 Phan Trang

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,999

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079