Đồng thuận tịch thu phương tiện lái xe say rượu

12/03/2015 08:39 AM

Đề xuất tịch thu phương tiện vi phạm giao thông nghiêm trọng cơ bản nhận được sự đồng thuận.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng: Xử phạt nặng thế nào là phù hợp, đề nghị mọi người góp ý cụ thể, Bộ GTVT sẽ tiếp thu

Dù vẫn còn một số ý kiến e ngại trong việc tổ chức và cách thức thực hiện, song đề xuất tịch thu phương tiện vi phạm giao thông nghiêm trọng cơ bản nhận được sự đồng thuận của đa số đại biểu tại Hội thảo “Tịch thu phương tiện - Pháp lý và thực tiễn” diễn ra tại Hà Nội ngày hôm qua (11/3).

Đau đớn mỗi ngày mất đi 25 người vì TNGT

Mở đầu Hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nói, một người uống rượu bia rồi lái xe, nếu dùng từ “người điên” thì hơi nặng, nhưng cũng có thể nói hành vi của họ chẳng khác nào người cầm dao mất kiểm soát giữa chợ, có thể uy hiếp tính mạng người khác.

“Đề xuất trên dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành. Như Điều 26, Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ rõ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước hiện vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”, ông Hùng khẳng định.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương: Cần thiết có thể kiến nghị sửa Luật

Khi đã uống rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng vì có nguy cơ gây tai nạn chết người. Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã quy định rõ và các luật khác cũng quy định khá đầy đủ vấn đề tịch thu phương tiện. Vướng ở đây là liên quan đến bên thứ ba, quyền sở hữu, tính công bằng... Nếu Luật thiếu thì sẽ kiến nghị sửa. Tôi sẽ kiến nghị Quốc hội cần thiết sẽ sửa luật cho đồng bộ và thống nhất.

Đồng quan điểm, thậm chí Luật sư Trần Vũ Hải còn ví von: “Người đã uống rượu bia vẫn lái xe không khác một kẻ cầm súng đã lên đạn rất nguy hiểm cho những người xung quanh nên cần phải phạt thật nặng”.

Đứng ở góc độ y tế, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang đưa ra con số có đến 60% số vụ TNGT trong thời gian qua liên quan đến rượu bia. Riêng trong dịp Tết vừa qua thống kê có đến 42/60 vụ TNGT do người điều khiển có sử dụng rượu bia. Đây là con số rất đáng lo ngại. “Mỗi ngày TNGT cướp đi 25 người quả là rất đau đớn”, ông Quang nói.

Không trái luật

Ủng hộ quan điểm phải phạt nặng người uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông, song ông Phan Hữu Thư, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp vẫn tỏ ý băn khoăn đến tính khả thi khi áp dụng. “Văn bản này có ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, chẳng nhẽ cả nhà họ có chiếc xe, chỉ uống vài chén rượu mà lại bị thu mất”, ông Thư nói và đề xuất nên có mức phạt nặng ở mức phù hợp bởi có người thì đi xe sang, có người đi xe ít tiền, có người lái thuê, có người là chính chủ phương tiện.

Ngắt lời ông Thư, ông Khuất Việt Hùng đề nghị ông Thư gợi ý luôn giải pháp như thế nào là “nặng phù hợp”, Bộ GTVT sẽ tiếp nhận toàn bộ ý kiến.

Tiếp lời ông Hùng, ông Thư đề xuất: “Nếu tịch thu xe thì cần áp dụng với các trường hợp tái phạm nhiều lần chứ không nên tịch thu ngay lần đầu vi phạm”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Dương đến từ Viện Nhà nước Pháp luật nêu quan điểm rằng, biện pháp tịch thu sung công đã được áp dụng từ thời cổ đại. Tuy nhiên, trong chuyện này, tịch thu chỉ là hình thức phạt bổ sung, còn lại hình thức phạt chính vẫn là bằng tiền, thu bằng lái.

Khẳng định về cơ bản, nội dung đề nghị quy định tịch thu phương tiện của Ủy ban ATGT Quốc gia không trái Bộ luật Dân sự, không khác biệt Bộ luật Hình sự, Luật sư Trần Vũ Hải chỉ lưu ý cân nhắc có phù hợp Điều 14 Hiến pháp 2013 hay không?. “Cái này cần phải có chuyên gia xem xét”, ông Hải nói và cho biết, đa số phản đối việc tịch thu phương tiện là do lo ngại tăng quyền cho CSGT, gia tăng tình trạng hối lộ và tịch thu tùy tiện nên cần có những biện pháp giảm thiểu tình trạng này. Chỉ giao cho UBND cấp huyện, tỉnh có quyền tịch thu. Người vi phạm có bằng chứng cảnh sát nhũng nhiễu, nếu tố cáo đúng sẽ được miễn trừ xử phạt. Nếu đã nộp hoặc phương tiện bị tịch thu sẽ được hoàn trả.

Nhiều nước cũng tịch thu xe

Trao đổi với PV Báo Giao thông bên lề hội thảo, TS. Trần Hữu Minh, giảng viên Trường Đại học GTVT khẳng định, nhiều nước đã áp dụng hình thức tịch thu phương tiện đối với người vi phạm nghiêm trọng. Nhiều quốc gia coi lái xe uống rượu bia là tội phạm.

Cụ thể như ở Hungary đã cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn. Một số nước sẽ tịch thu phương tiện tái phạm và vi phạm rất nghiêm trọng. Uống rượu bia nhiều vẫn lái xe dẫn đến mất kiểm soát trên đường và có thể gây tai nạn chết người bất cứ lúc nào.

Tại New York và một số khu vực khác của Mỹ, đã bắt đầu áp dụng tịch thu phương tiện ngay lần đầu tiên vi phạm. Các nước Liên minh châu Âu hay Canada cũng đã áp dụng biện pháp này. Và tòa án sẽ phán quyết chiếc xe vi phạm có bị tịch thu hay không.

Còn ông Thiệu Minh đến từ Ngân hàng Thế giới cũng chia sẻ kinh nghiệm lái xe 10 năm ở Mỹ và cho biết, nước này rất nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm giao thông, đặc biệt là hành vi say rượu bia khi lái xe.

“Như ở bang Virginia, lần đầu vi phạm bị phạt 250 USD và bị tù 7 ngày, nhưng lần hai vi phạm cảnh sát có quyền bắt giữ mà không cần tòa án quyết định. Nếu vi phạm lần ba sẽ bị phạt 1 nghìn USD, tịch thu phương tiện”, ông Minh nói.

Thiện Anh

Theo Báo Giao Thông

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,135

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079