Chính sách mới >> Tài chính 28/08/2017 08:26 AM

Cá tra vào Trung Quốc: Mừng một lo mười!

28/08/2017 08:26 AM

Giới chuyên môn lo ngại trước việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu cá tra của Việt Nam, nông dân sẽ đổ xô mở ao nuôi, đến lúc rủi ro thì trở tay không kịp

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Cá tra Việt Nam (Vinapa), kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến ngày 30-6 đạt 836 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh ở thị trường Trung Quốc.

Thị trường đang đảo chiều

Theo nhận định của Vinapa, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, thị phần chiếm khoảng 22%. Tuy nhiên, gần đây và sắp tới, phía Mỹ áp dụng nhiều rào cản, trong đó có việc thực thi đầy đủ Luật Nông trại (Farm Bill) khiến cá tra vào thị trường này có phần hạ nhiệt. Đối với thị trường EU, trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 101 triệu USD, giảm 24,1% so với cùng kỳ.

Cá tra

Người nuôi cá tra cần tỉnh táo, không nên tăng diện tích nuôi Ảnh: NGỌC TRINH

Ngược lại, thị trường Trung Quốc liên tục tăng từ năm 2011 đến nay. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc năm 2011 chỉ đạt 56 triệu USD (chiếm tỉ trọng 3,07%) thì đến năm 2016 đã tăng lên 305 triệu USD (chiếm tỉ trọng 17,8%). Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng lên 20,5%. Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Vinapa, nhận định: "Với đà tăng trưởng như thế này, đến cuối năm 2017, xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc có thể chiếm tỉ trọng 25%, vượt qua Mỹ".

Theo ông Dũng, việc cá tra đang "tăng tốc" vào thị trường Trung Quốc là tín hiệu đáng mừng. Nó giải tỏa phần nào tâm lý bi quan trong thời gian gần đây của không ít doanh nghiệp khi thị trường Mỹ đang giảm vì áp dụng nhiều rào cản thương mại.

Không nên đổ xô nuôi

Từ đầu năm 2017 đến nay, giá cá tra nguyên liệu ở mức khá cao, từ 23.000-27.000 đồng/kg, khiến nhiều người nuôi cá ở ĐBSCL tỏ ra vui mừng. Vì thế, các địa phương có diện tích nuôi cá tra và sản lượng thu hoạch cao là Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, TP Cần Thơ... cũng đang tăng diện tích nuôi.

Tuy nhiên, ngay tại các vùng nuôi đang mở rộng vẫn có nhiều nông dân tỏ ra lo ngại khi con cá tra đang… tăng tốc vào Trung Quốc. Ông Trần Công Minh - một người có thâm niên nuôi cá tra ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ - cho biết ông đang thả nuôi trên 10.000 m2 cá tra trong giai đoạn 3-4 con/kg. Mặc dù giá cá đang ở mức cao và vào mạnh thị trường Trung Quốc nhưng ông Minh quyết định không tăng thêm diện tích.

"Bài học khoai lang, cua biển, chuối… vẫn còn đó. Vì thế, mong bà con đừng đổ xô nuôi cá tra khiến cung vượt cầu, lúc đó trở tay không kịp với thị trường này" - ông Minh thận trọng. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang (AFA), cũng cảnh báo: "Người nuôi nên tỉnh táo, đừng thấy Trung Quốc tăng tiêu thụ mà ào ào thả nuôi, rất rủi ro".

Theo ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, căn cứ vào tình hình thực tế của thị trường Mỹ, chúng ta cũng phải rà soát, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn sao cho ngày càng hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Vinapa, dự báo từ nay đến cuối năm, giá cá tra tiếp tục nhích lên nhờ tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Dù vậy, để tránh rủi ro, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân trong việc điều tiết thị trường, xuất khẩu, diện tích thả nuôi nhằm có sản lượng ở mức độ phù hợp. Nếu không làm tốt những nhiệm vụ đó thì quá trình xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

CÔNG TUẤN

Theo Người lao động

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,874

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079