Chính sách mới >> Tài chính 25/08/2012 08:58 AM

Chuyển đổi vàng miếng phi SJC: Người giữ vàng bất an

25/08/2012 08:58 AM

Nhiều người lo lắng không biết bán vàng miếng phi SJC ở đâu và bán với giá bao nhiêu.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định 1623 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng, có hiệu lực từ ngày 23-8, nhiều người đang tích trữ vàng, nhất là vàng phi SJC cảm thấy băn khoăn.

Lo chênh lệch giá

Chị Nguyễn Cẩm Nhung ở ngõ 123 Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Nghe thông tin NHNN quy định về quy trình chuyển đổi vàng miếng phi SJC tôi không hiểu lắm nhưng thấy hơi lo lắng vì quá nửa số lượng vàng mình tích trữ trong nhà đều không phải là vàng SJC”. Tuy nhiên, điều vợ chồng chị trăn trở là nếu đem bán số vàng miếng không phải SJC thì bán ở đâu và liệu có bị ép giá không. Bởi cách đây không lâu trên thị trường có trường hợp Công ty SJC ngừng mua các loại vàng méo, cong vênh của nhãn hiệu khác, giá chênh nhau không nhỏ.

Theo quy định về chuyển đổi vàng phi SJC của NHNN, các DN kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ gửi văn bản đề nghị NHNN cho chuyển đổi số vàng hợp lệ. Trong thời hạn 30 ngày nếu NHNN đồng ý cho phép chuyển thì cơ quan này sẽ gửi văn bản cho Công ty SJC để thực hiện gia công. Sau hai ngày, Công ty SJC gửi văn bản báo NHNN kế hoạch gia công và các DN sẽ ký kết hợp đồng gia công. Sau khi hoàn thành, Công ty SJC giao sản phẩm cho DN theo hợp đồng đã ký.

Những ngày qua nhiều người dân rút tiền ngân hàng để đi mua vàng. Ảnh: Yên Trang

Tuy vậy, giữa buổi chiều 24-8, nhân viên của Bảo Tín Minh Châu cho hay chưa nghe chỉ đạo về việc chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC. Trong khi đó, đại diện PNJ cho biết công ty đã đưa đơn đề nghị được chuyển đổi vàng miếng PNJ-DAB thành vàng miếng SJC lên và chờ NHNN duyệt.

Để triển khai các công đoạn chuyển đổi cơ chế cấp phép sản xuất vàng miếng như trên, NHNN đã làm việc với UBND TP.HCM về việc giao Công ty SJC gia công vàng miếng, đàm phán, ký kết hợp đồng gia công. Đồng thời, NHNN và UBND TP.HCM sẽ xây dựng quy trình giám sát hoạt động gia công vàng miếng cũng như quản lý khuôn sản xuất và máy dập, đảm bảo hoạt động này được kiểm soát chặt chẽ. Trên cơ sở chi phí gia công, thuế áp dụng và lợi nhuận dự tính, mức phí gia công vàng miếng SJC giai đoạn hiện nay là 50.000 đồng/lượng.

Tiềm ẩn cơ chế “cầu cạnh”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia tài chính-TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc NHNN ban hành Quyết định 1623 nhằm tạo ra sự bình ổn trên thị trường vàng, thông qua cách quản lý quy về một đầu mối. Nhà nước sẽ độc quyền trong kinh doanh vàng miếng, còn SJC chỉ làm nhiệm vụ gia công theo đơn đặt hàng của NHNN và DN khác. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, rủi ro trong biện pháp mới này là tiềm ẩn việc xin - cho trong việc cấp số lượng giữa DN phi SJC và Công ty SJC cũng như với NHNN. “Điều này tạo ra sự không công bằng trên thị trường, phần lớn lợi ích sẽ nằm trong tay DN lớn, năng lực tài chính tốt. Thậm chí nếu kiểm soát không tốt, giá chênh lệch giữa vàng phi SJC và SJC sau khi chuyển đổi sẽ tái diễn” - ông Hiếu cảnh báo.

Thêm vào đó, ông cho rằng những ngày qua thị trường vàng có bước nhảy vọt về giá, người dân rút tiền ở các ngân hàng, đổ xô mua vàng. Quyết định mới của NHNN về sản xuất vàng miếng sẽ tạo nên tâm lý bất an cho người giữ vàng. Trong lúc các kênh đầu tư khác biến động người dân tìm đến vàng. Thế nhưng diễn biến này sẽ không tránh khỏi hiện tượng đầu cơ giá để ăn chênh lệch. Đầu tư vàng tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là đầu tư theo kiểu ăn xổi, mua bán ngắn hạn, nghe theo lời đồn tăng giá. Nếu xác định đầu tư vàng thì nên theo dài hạn.

Hôm nay (25-8), Công ty SJC sẽ dập lại các miếng vàng móp, méo, cong, vênh trong kho. Khoảng 7.000 lượng vàng này sẽ được đưa ra thị trường, giúp tăng nguồn cung, kéo giá vàng giảm xuống.

Ông LÊ HÙNG DŨNG, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty SJC

Ông Hiếu cho biết ở các nước phát triển thường không có các công ty sản xuất vàng miếng vật chất mà họ giao dịch, quản lý thông qua chứng chỉ vàng. Sử dụng chứng chỉ vàng an toàn hơn, kiểm duyệt kỹ càng hơn, tránh hiện tượng vàng giả.

Theo nguyên Thống đốc NHNN-TS Cao Sỹ Kiêm, công đoạn chuyển đổi hình thức vàng phi SJC sang nhãn hiệu mới không khó. Điều quan trọng NHNN cần tính toán đến giá cả quy đổi hợp lý, rõ ràng, tính lại quy trình xin chuyển đổi cũng như số lượng giữa DN và đơn vị gia công. Bởi theo như quy định của NHNN sẽ dễ xảy ra trường hợp các DN “cầu cạnh” để xin chỉ tiêu, kế hoạch từ cơ quan quản lý, giấy tờ thủ tục phức tạp. Như vậy là quay lại vòng xin cho DN - đơn vị gia công - cơ quan quản lý.

Tại thời điểm Nghị định 24 về quản lý sản xuất kinh doanh vàng có hiệu lực từ ngày 25-5, đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) từng cho biết Nhà nước không phân biệt đối xử giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác. Các loại vàng miếng thuộc sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ sẽ được mua bán, trao đổi tại các tổ chức tín dụng và DN được NHNN cấp phép. Công đoạn chuyển đổi từ thương hiệu phi SJC sẽ không phức tạp, DN chỉ cần nộp khoản phí dập thương hiệu mới. Vì vậy, người dân không nên lo lắng, vội vàng bán các thương hiệu phi SJC, tạo tâm lý đám đông, người hưởng lợi chênh lệch giá là DN.

TRÀ PHƯƠNG - YÊN TRANG

Theo phapluattp.vn

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,632

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079