Công nghiệp điện tử có nhu cầu nhập khẩu lớn để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. |
Sau 2 tháng đầu năm xuất siêu, nhập siêu đã quay trở lại vào tháng 3 và tăng mạnh trong tháng 4.
Doanh nghiệp trong nước tăng nhập khẩu
Theo số liệu chính thức của Bộ Công Thương, nhập siêu tháng 3 khoảng 546 triệu USD, chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu tháng này. Như vậy, với việc nhập siêu trở lại, tính chung 3 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 278 triệu USD.
Theo số liệu ước tính, nhập siêu tháng 4/2013 khoảng 1 tỷ USD, bằng 10,3% kim ngạch xuất khẩu của tháng. Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu khoảng 722 triệu USD, bằng 1,8% kim ngạch xuất khẩu.
Cũng trong 4 tháng đầu năm, trong khi khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu ước 3,76 tỷ USD thì khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu ước 4,49 tỷ USD.
Nhập siêu của Việt Nam chủ yếu từ các thị trường châu Á với kim ngạch khoảng 8,35 tỷ USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường châu Á khoảng 15,14 tỷ USD nhưng nhập khẩu 23,49 tỷ USD.
Trong đó, Việt Nam nhập siêu từ ASEAN là 574 triệu USD, từ Trung Quốc 4,48 tỷ USD, từ Hàn Quốc 3,06 tỷ USD, từ Đài Loan 2 tỷ USD.
Nhập khẩu đáp ứng nhu cầu sản xuất
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xu hướng nhập siêu tăng lên trong 2 tháng gần đây là tín hiệu tốt, cho thấy nhập khẩu phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước đang có chiều hướng tăng lên.
Điểm tích cực đầu tiên là nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã hồi phục, kim ngạch nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Thứ hai, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần thiết cho sản xuất, tiêu dùng trong nước, đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá cao với mức tăng 16,7%. Nhập khẩu của nhóm hàng chiếm tỷ trọng 86,8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, nhập siêu trong những tháng đầu năm là để đáp ứng sự gia tăng xuất khẩu và nhu cầu mở rộng sản xuất trong nước.
Điểm tích cực của nhập siêu có thể thấy rõ qua số liệu xuất khẩu cùng kỳ. Trong đó, nổi bật nhất vẫn là xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến với mức tăng 28,3% so với cùng kỳ 2012, chiếm tỷ trọng 68,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng cao như: điện thoại và linh kiện (92,3%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (46,1%); túi sách, vali, mũ, ô dù (20,1%); dệt may (20,3%)....
Sự tăng trưởng xuất khẩu cao của những nhóm hàng này đã kéo kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất công nghiệp tăng. Nhập khẩu các mặt hàng phục vụ gia công, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tăng trưởng cao.
Liên quan đến đầu tư nước ngoài, trong 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn FDI đạt 3,75 tỷ USD. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu nhập khẩu tăng lên để phục vụ cho triển khai các dự án.
Điểm tích cực khác là tuy nhập khẩu tăng nhưng các mặt hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm lại giảm so với cùng kỳ 2012 như linh kiện và phụ tùng ô tô, linh kiện xe máy; ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ trở xuống và xe máy.
Cụ thể, linh kiện phụ tùng ô tô giảm 2,4%, linh kiện phụ tùng xe máy giảm 29,6%. Kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên dưới 9 chỗ ước giảm 14,3% về lượng và 21% về trị giá; kim ngạch nhập khẩu xe máy ước giảm 33,6% về lượng và 10,1% về trị giá.
Ngoài ra, với việc nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, dệt may có đơn hàng dài hạn cũng làm tăng nhập khẩu để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất trong thời gian tới.
Mặc dù nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm được đánh giá là tích cực nhưng theo Cục Xuất nhập khẩu, các biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp các cam kết quốc tế và các nguyên tắc của WTO vẫn được tăng cường nhằm kiểm soát hiệu quả nhập khẩu.
Doanh Chính