Tại Hội thảo "Diễn biến giá cả, thị trường Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013" ngày 11/7, tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ còn tăng trưởng ở mức 5,2 - 5,5% ít nhất tới năm 2015, do đó, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm tới là "rất khó khăn".
Biểu đồ tốc độ tăng GDP và lạm phát 6 tháng. Nguồn: GSO |
Theo ông thu ngân sách chưa bao giờ khó khăn như năm nay do những chính sách miễn giảm, doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, trong khi còn nhiều vấn đề phải chi như tăng lương, thực hiện các biện pháp hỗ trợ thị trường... Nợ xấu cũng là "cục máu đông" với hệ thống ngân hàng, đặc biệt nhóm nợ xấu tồi tệ nhất vẫn gia tăng.
Một số ý kiến cho rằng xuất khẩu và sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tích cực hơn nhưng ông Thành nhìn nhận sản xuất còn "rất yếu kém, phập phù". Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) cho ngành sản xuất đang giảm rất nhanh, trong tháng 6 đã rơi xuống mức thấp thứ ba kể từ khi bắt đầu khảo sát. Xuất khẩu quý II chỉ tăng 16%, thấp hơn mức 20% của quý I và chủ yếu do sự đóng góp của khối doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn từ năm ngoái như cơ hội kinh doanh thu hẹp với doanh nghiệp, thể hiện qua tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm từ 45% GDP xuống chỉ còn khoảng 30% GDP trong 6 tháng đầu năm. Lãi suất không còn là vấn đề lớn nhưng điều kiện tiếp cận tín dụng lại khó khăn, nợ xấu và nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được giải quyết.
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá tình hình kinh tế thời gian tới còn rất nhiều thách thức. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, tồn kho sản phẩm 6 tháng cuối năm 2013 có khả năng tăng cao như diễn biến của năm 2012 và tiếp tục sẽ là lực cản lớn với tăng trưởng kinh tế.
Theo ông, tồn kho nửa đầu năm có xu hướng thấp dần là do giá trị sản xuất sản phẩm thấp hơn cùng kỳ năm 2012 chứ không phải do cầu tiêu dùng đã phục hồi. Cụ thể, xem xét tiêu chí giá trị hàng tồn kho so với giá trị hàng sản xuất thì tỷ lệ này 5 tháng đầu năm là 75,4%, cao hơn mức tồn kho thông thường 75%.
Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng 6% sẽ rất khó khăn. Ảnh: Hoàng Hà |
Đa số ý kiến khẳng định áp lực lạm phát cao vẫn còn, nhưng đã suy giảm.Nhiều tổ chức quốc tế đã hạ dự báo lạm phát của Việt Nam về 6-7% trong năm 2013, so với mức 7-9% đưa ra ban đầu. Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cũng cho biết, lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 khi 6 tháng đầu năm, chỉ số này mới chỉ tăng 2,4%.
Song, vẫn cần phải cẩn trọng với mục tiêu lạm phát bởi theo các chuyên gia, từ nay tới cuối năm, sẽ có nhiều yếu tố gây áp lực lên chỉ tiêu này như Chính phủ thực hiện một số giải pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5%, tăng lương cơ bản, thâm hụt thương mại tăng cao, giá điện, y tế, xăng dầu điều chỉnh...
"Chính phủ nên có những cam kết mạnh mẽ trong việc chống lạm phát, không chỉ khi lạm phát tăng cao mà còn phải có những cam kết duy trì lạm phát thấp ngay cả khi chỉ số này đang ổn định. Vì trạng thái lạm phát thấp là một cân không bền và dễ bị phá vỡ, trong khi tình trạng lạm phát cao luôn có khuynh hướng quay trở lại", đại diện Vụ Thống kê giá khuyến nghị. Bà cũng đưa ra dự báo lạm phát cho cả năm nay khoảng 7-7,5%.
Ngoài ra, với bối cảnh rủi ro lạm phát giảm, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, câu hỏi đặt ra là sẽ có những hỗ trợ nào trong thời gian tới để phục hồi kinh tế. Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, có 3 quan điểm đã được nêu lên để giải quyết tình trạng này. Trong đó, giải pháp "không làm gì cả, doanh nghiệp chết cứ chết, sống cứ sống" bị loại bỏ ngay.
Quan điểm thứ hai là nên có gói kích cầu như năm 2009 mà
theo một số ý kiến cho rằng khoảng 10 tỷ USD. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định sẽ
không có thêm một gói kích cầu như vậy bởi "ổn định vĩ mô là giá trị bước
đầu đã đạt được nên không thể để mất".
Bởi vậy, vị này cho biết, khả dĩ nhất hiện nay là vẫn thực hiện chính sách vĩ
mô chặt chẽ, nhưng kèm theo đó là những biện pháp linh hoạt như giảm lãi suất,
giải quyết nợ xấu, miễn giảm thuế, phát hành trái phiếu và thực hiện gói hỗ trợ
thị trường bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng.
Huyền Thư
VnExpress