Chính sách mới >> Tài chính 03/08/2013 09:00 AM

Khó gỡ “mớ bòng bong” sở hữu chéo

03/08/2013 09:00 AM

Không phải là một tội lỗi, song sở hữu chéo dễ bị lạm dụng và gây ra những hệ lụy nghiêm trọng với hệ thống tài chính, gây nhiều bất ổn và cội nguồn của tình trạng nợ xấu hiện nay.

Vô hiệu hóa mọi quy định


Dù không quá mới mẻ với cả Việt Nam và thế giới, sở hữu chéo (SHC) và đầu tư chéo lại được coi là vấn đề gai góc nhất và phức tạp nhất của thị trường tài chính trong nước hiện nay.


Bản thân sở hữu chéo hay sở hữu cổ phần lẫn nhau tại các tổ chức tài chính không phải là một tội lỗi, song người đứng đầu Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia – ông Vũ Viết Ngoạn - nhìn nhận, SHC dễ bị lạm dụng bởi nó tạo cơ hội để cổ đông chi phối định chế tài chính và sử dụng định chế tài chính như một công cụ để đầu tư, cấp vốn theo mục đích riêng của họ.


Hệ quả là dẫn tới những giao dịch tài chính vượt ra ngoài khuôn khổ an toàn theo quy định của pháp luật, thoát ly khỏi vòng kiểm soát của các cơ quan quản lý.


Nhìn vào thực trạng này tại VN dễ dàng nhận thấy, SHC đang diễn ra nhan nhản giữa ngân hàng (NH) với NH, doanh nghiệp (DN) với NH và giữa nhà đầu tư với các NH.


Thực tế cho thấy, ngoại trừ Agribank, cả bốn NHTM nhà nước còn lại gồm Vietcombank, VietinBank, MHB và BIDV đến nay đều CPH với tỉ lệ nắm giữ của nhà nước chiếm ưu thế.


Các NHTM nhà nước đồng thời cũng sở hữu một số NHTM cổ phần hoặc liên doanh và một số NHTM nhà nước lại được sở hữu bởi NH nước ngoài.


Thực tế khác cho thấy, hầu hết các tập đoàn kinh tế và DNNN lớn đều có sở hữu trong NH TMCP. Mối quan hệ hai bên cùng có lợi này cho phép DN được vay lại, trong khi nguồn tiền gửi lớn của các DNNN sở hữu giúp đảm bảo thanh khoản cho các nhà băng.


Các mối quan hệ trên, theo ông Nguyễn Xuân Thành - Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright - vô hiệu hóa các quy định an toàn.


Cụ thể như các NHTM tăng vốn ảo, vô hiệu hóa các quy định về vốn pháp định hay đánh giá không đúng tài sản “có” rủi ro, từ đó làm tăng hệ số đủ vốn CAR (hệ số an toàn vốn) một cách không thực chất.


Chưa kể việc các NH cho vay người có liên quan sẽ vô hiệu hóa quy định về giới hạn tín dụng. Nguy hiểm hơn, NH có thể chuyển các khoản nợ xấu thành tài sản có khác thông qua việc chuyển nợ xấu sang các Cty con, Cty liên kết và việc này sẽ vô hiệu hóa quy định về báo cáo chất lượng tín dụng và trích dự phòng rủi ro.



Sở hữu chéo dễ bị lạm dụng và gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Ảnh: NLĐ

 Cấu trúc sai hướng

Cũng theo phân tích của ông Nguyễn Xuân Thành, cơ cấu SHC “giúp” các tổ chức có thể tập trung vào các đầu tư rủi ro và điều này dẫn đến những hệ lụy với việc nhiều NH buộc phải thực hiện tái cấu trúc.

Điều trái khoáy là trong thời gian qua, nỗ lực tái cấu trúc chủ yếu tập trung xử lý các NH yếu kém do nợ xấu cao, thanh khoản kém, quản trị yếu, mà chưa có nhiều nỗ lực giảm SHC.

Cụ thể như không có động thái khuyến khích giảm SHC cũng như chưa thiết kế lại chính sách và quy định. “Biện pháp khuyến khích ngược là dùng SHC để xử lý các NH yếu kém thời gian qua lại khiến tình trạng SHC trở nên phức tạp hơn” – ông Nguyễn Xuân Thành đưa ý kiến.

Với các nhận định trên, đại diện chương trình Fullbright cho rằng, cần phải xóa bỏ SHC trong nỗ lực tái cấu trúc hệ thống NH. Ông này đề xuất Chính phủ chỉ đạo các DNNN thoái vốn dứt điểm khỏi các NHTM theo hướng bán cổ phần cho một Cty quản lý vốn, sau đó bán lại cho các nhà đầu tư bên ngoài theo một lộ trình nhất định. Đồng thời dùng đến giải pháp mua bán sáp nhập (M&A) các NH TMCP để giảm SHC.

Song Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia – ông Vũ Viết Ngoạn - ủng hộ việc mời nhà đầu tư chiến lược vào quá trình tái cơ cấu NH. Ông cho rằng, dù thời gian qua SHC gây ra hệ quả lớn dẫn đến nợ xấu, nhưng hình thức SHC là đan xen giữa nhiều đối tượng.

Đặt trong bối cảnh VN đang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, việc mời các nhà đầu tư có năng lực tài chính và quản trị tốt tham gia với vai trò là nhà đầu tư chiến lược là rất cần thiết và không nên xem là SHC.

“Chỉ có rủi ro khi họ coi những định chế tài chính nơi họ đầu tư vào là nơi để đầu tư cho mục đích riêng, vượt qua ngoài quy định của pháp luật và phạm vi kiểm soát của cơ quan nhà nước. Còn nếu thực hiện đúng quy định pháp luật thì không có rủi ro gì” – ông Ngoạn nhìn nhận.

Theo Lao động

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,749

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079