Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital chia sẻ về ảnh hưởng của việc cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng (QE3) của Mỹ đến thị trường Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài vừa qua?
Nhà đầu tư nước ngoài bán trái phiếu, nhưng không quá nhiều. Trên thị trường cổ phiếu, mức bán ròng là nhỏ so với các thị trường khác, đơn giản vì trước đây, tiền chưa vào nhiều như ở các thị trường mới nổi, vì thị trường Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn là thị trường mới nổi.
Việt Nam đang ở tình thế hơi khác các nước bị rút vốn khác là tài khoản vãng lai dương, trong khi các nước khác bị âm. Mặt khác, ở các nước, người ta muốn sở hữu ngoại tệ và có thể dễ dàng làm việc đó, còn ở Việt Nam thì không được tự do mua - bán ngoại tệ.
Việc các nhà đầu tư ngắn hạn nước ngoài, nhất là các quỹ ETF, bán ròng có mở ra cơ hội nào cho các nhà đầu tư dài hạn không, thưa ông?
Người lướt sóng có thể cho đây là cơ hội, còn đối với một tổ chức đầu tư, việc này không ảnh hưởng nhiều. P/E thị trường đang ở mức thấp, bây giờ thấp hơn một chút không làm thay đổi bản chất thị trường. Vốn không vào thị trường Việt Nam không phải do giá, vì thị trường Việt Nam đã thấp nhất khu vực. Vấn đề quan trọng hơn nằm ở lòng tin, ở tăng trưởng của nền kinh tế. Việt Nam chậm trong xử lý vấn đề về tài khóa, lạm phát… mặc dù trong 3 năm qua, Việt Nam đã cố gắng xử lý các khó khăn nội tại và đã khắc phục được một phần.
Chúng tôi quan tâm tới vấn đề dài hơn là thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường tài chính trong thời gian tới, chắc chắn sẽ không dễ hơn trước, nếu không muốn nói là khó hơn ở mức độ nào đó.
Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng từ 1,9%/năm lên 2,8%/năm. Tiền sẽ chảy ngược về Mỹ. Mặc dù còn nhiều tranh luận về sự phục hồi thực sự của kinh tế Mỹ, về mức độ thu hẹp QE3, nhưng vấn đề chỉ là thời gian. Thu hút dòng vốn chảy ngược sẽ khó hơn nhiều.
Trước đây, vốn vào TTCK chủ yếu qua quỹ đóng, còn bây giờ, khả năng lập quỹ đóng là thấp. Huy động vốn sẽ phải qua quỹ mở hoặc không qua quỹ nữa. Vốn cũ rồi cũng sẽ ra đi. Việt Nam sẽ làm gì để cạnh tranh thu hút vốn mới, là nguồn vốn ít ổn định hơn? Thị trường giao dịch 40 triệu USD/ngày khó mà thuyết phục được quỹ mở đầu tư.
Có nghĩa là mặt bằng giá chứng khoán hiện nay không phải là cơ hội đầu tư tốt?
Không hẳn là như thế. Nếu đứng ngoài cuộc nhìn vào thị trường tài chính, TTCK thì thấy, thị trường đã “đóng băng” 5 năm rồi. Giá trị giao dịch mỗi ngày khoảng 40 triệu USD, tương đương 800 tỷ đồng là không tệ, nhưng cũng không sôi động. Cá nhân tôi cho rằng, nếu chọn đúng mã cổ phiếu cơ bản thì khả năng mất 1/3 số vốn đầu tư thấp hơn khả năng lời 1/3. Mức độ rủi ro của thị trường hiện nay không lớn.
Mặt khác, khi coi ảnh hưởng từ việc rút QE3 của Mỹ là một rủi ro thì chúng ta cũng quan tâm tới yếu tố tích cực là Nhật Bản bắt đầu thực hiện chương trình QE. Mà Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng của Nhật Bản thông qua hút vốn ODA, đầu tư gián tiếp, trực tiếp từ Nhật Bản cũng như vốn từ nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản vào doanh nghiệp Việt Nam.
Có ý kiến lo cho rằng, việc các thị trường mới nổi bị ảnh hưởng bởi làn sóng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài (làm đồng nội tệ mất giá) khiến Việt Nam ngần ngại hơn khi đưa ra các quyết sách để thu hút vốn vào thị trường tài chính, như nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Ông nghĩ sao về điều này?
Các nhà kinh tế học luôn khuyến khích chúng ta tin vào kinh tế thị trường. Cạnh tranh bao giờ cũng giúp phát triển tích cực hơn. Việt Nam không bị rút vốn do chúng ta chưa có thành tích gì trong thu hút vốn, chứ không phải do may mắn. Nếu nền kinh tế cứ như thời bao cấp trước đây thì chẳng bao giờ chúng ta phải lo đối phó với những tác động bên ngoài. Vấn đề là chúng ta phải hội nhập, phải cạnh tranh.
Theo ĐTCK