Chính sách mới >> Tài chính 01/04/2014 14:41 PM

Ai là người có thu nhập thấp?

01/04/2014 14:41 PM

Gần đây, vấn đề triển khai gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng của Nhà nước nhằm hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà và cũng nhằm điều chỉnh những bất hợp lý trong chính sách nhà ở lại một lần nữa được xới xáo lên.

Rõ ràng đây là một chính sách hay vừa nhân đạo, kịp thời, vừa giúp người thu nhập thấp có thể có nhà ở, vừa góp phần làm giảm bớt tình trạng ứ đọng bất động sản đang góp phần làm cho nền kinh tế phát triển trì trệ… Tuy nhiên, không hiểu vì sao việc triển khai thực hiện lại rất ì ạch. Tính đến nay, sau 10 tháng triển khai, ngành ngân hàng mới chỉ giải ngân được khoảng 9% gói cứu trợ 30 nghìn tỷ, trong khi đó cả khách hàng lẫn các chủ dự án đều khó khăn về nguồn vốn.

Có nhiều nguyên nhân đã được đưa ra, ví dụ: sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập chưa đủ nhiều để người mua nhà chọn lựa; thứ nữa là nhà ở loại hình này thường được xây dựng ở khu vực xa trung tâm, đô thị, sẽ gây khó khăn trong việc đi lại của các viên chức và người thu nhập thấp (chủ yếu là công nhân viên chức và người nghèo đô thị). Mặt khác, việc thẩm định “tiêu chuẩn” mua nhà bị nhiều địa phương làm khó… Nhưng có lẽ nút thắt sâu xa nhất chính là ở khâu tiếp cận nguồn vốn, tức là ở “cửa” các ngân hàng. Không ít người nghèo, người có thu nhập thấp thật sự thiếu nhà ở, thấy mình có đủ tiêu chuẩn mua nhà theo gói hỗ trợ, nhưng đến cửa các ngân hàng đều ngậm ngùi quay về, vì mình không thuộc loại… thu nhập thấp! Phần lớn các ngân hàng đều yêu cầu khách chứng minh được thu nhập 8 - 9 triệu trở lên mới đủ tiêu chuẩn vay…

Đây là một nghịch lý lớn. Trong xã hội chúng ta, ai là người nghèo, ai là người có thu nhập thấp? Xin thưa, đây là số rất đông trong số công nhân, viên chức nhà nước, làm trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ quan chuyên môn, không có yếu tố nước ngoài; là những gia đình chính sách, người về hưu, người nghèo đô thị. Họ là những người hưởng lương Nhà nước hoặc người làm thuê, buôn bán nhỏ. Tất cả cuộc sống của họ đều phụ thuộc vào đồng lương do Nhà nước trả - đồng lương mà có tằn tiện lắm cũng khó đủ chi dùng, dù vài năm nay “mức lương tối thiểu” đã được nâng lên mấy lần mới chỉ đến 1.150.000đ. Mức lương chung bình quân một tháng khoảng 2,5 - 3 triệu đồng. Vậy thì những người bình thường chỉ có mức lương từ 2 - 6 triệu đồng; còn lại những thu nhập khác ngoài lương đều do những điều kiện bí mật khác, không ai giống ai, không cơ quan nào giống cơ quan nào. Trong mặt bằng lương như thế này, ai có mức lương chính thức khoảng 4 - 7 triệu đồng đã tạm gọi là “lương cao”, phần lớn phấn đấu đến gần cuối đời mới đạt (tùy nghề nghiệp, trình độ, bằng cấp…); tất nhiên, đây là thu nhập công khai, chính thức; còn lại, mỗi người, mỗi cơ quan đều có cách để “đầu gối phải bò” mới có thể tăng thu nhập, bảo đảm đời sống. Có vị lãnh đạo nói rằng với mức lương bộ trưởng gấp 2 - 3 lần người bình thường, phải tiết kiệm đến 40 năm cũng chưa chắc mua được ngôi nhà dành cho người thu nhập thấp…

Vậy thì ai là người được xác định là đối tượng “thu nhập thấp”, đủ tiêu chuẩn vay tiền mua nhà theo gói hỗ trợ cũng như trở thành đối tượng của nhiều chính sách khác dành cho người thu nhập thấp? Nhiều ngân hàng đặt ra tiêu chuẩn người mua nhà phải có thu nhập 8 - 9 triệu trở lên mới được vay tiền. Việc xác định thiếu chính xác về tiêu chuẩn người thu nhập thấp chính là đầu mối gây ra những ách tắc để nhiều chính sách tín dụng của Nhà nước không đến được với người dân, mà chương trình gói tín dụng 30 ngàn tỷ hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà khó thành công chỉ là một ví dụ.

Nếu không có một cách nhìn chính xác, khoa học về người nghèo, người thu nhập thấp và không có cáchgỡ để những nguồn vốn chính sách hỗ trợ đến được với những đối tượng này thì chắc chắn rằng nhiều chính sách kinh tế - an sinh xã hội của Nhà nước sẽ không đến được người dân hoặc ít nhất là thiếu hiệu quả, gây lãng phí lớn. Mặt khác, về góc độ vĩ mô, khi đối tượng chủ yếu và đông đảo này chưa được đưa vào “tầm ngắm” của nhiều nhà hoạch định chính sách kinh tế và an sinh xã hội, đặc biệt là ngành ngân hàng, thì sẽ còn nhiều hệ lụy cho phát triển. Đối tượng “thu nhập thấp” này ngoài việc cần được hỗ trợ để họ không đói nghèo, phát triển kinh tế, tăng cường sức sản xuất cho toàn xã hội, họ còn là lực lượng tạo ra sức mua lớn, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đầu tư cho họ là việc một mũi tên bắn trúng ba, bốn đích.

Người thu nhập thấp là ai? Đây là một câu hỏi nên luôn được đặt ra và phải có câu trả lời chính xác, nghiêm túc.

Thạch An

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Chia sẻ bài viết lên facebook 32,822

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079