Vốn kích cầu của thành phố đang đợi các nhà đầu tư vào hạ tầng giáo dục - Trong ảnh là một góc của ngôi trường tiêu chuẩn quốc tế ở TPHCM - Ảnh minh họa: Lê Hoàng
Tại Hội thảo "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giáo dục và đào tạo bằng nguồn vốn kích cầu" diễn ra ngày 22-4, ông Diệp Dũng, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), cho biết đầu tư vào ngành giáo dục và y tế hiện nay được thành phố ưu tiên và sẽ xem xét để các nhà đầu tư được hỗ trợ vốn vay bằng nguồn vốn kích cầu của thành phố.
Ông Dũng cho biết HFIC đã huy động được nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước sẵn sàng giải ngân cho các dự án đầu tư hạ tầng giáo dục. Do đó, HFIC sẽ đồng hành với nhà đầu tư trong việc hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn này.
Theo ông Dũng, thời gian hỗ trợ không quá 7 năm, mức vốn vay không quá 100 tỉ đồng/dự án. Tổng vốn vay của các dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi vay thông qua chương trình này là 12.000 tỉ đồng.
Theo HFIC, để dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay hỗ trợ này, các trường, chủ đầu tư cần xây dựng kế hoạch dự án đáp ứng yêu cầu như tiêu chuẩn phòng học/thí sinh, học phí phù hợp nhu cầu thực tế, có tài sản đảm bảo nợ vay phù hợp (riêng trường công lập không cần phải chứng minh tài sản thế chấp), chủ đầu tư phải tham gia tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án…
Trên thực tế nhu cầu vốn vay của các trường học và các nhà đầu tư cho hạ tầng giáo dục trên địa bàn thành phố là rất lớn. Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan mà việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn chưa nhiều.
Theo một số nguồn tin chia sẻ bên lề với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, với chương trình này, các trường công lập dễ tiếp cận nguồn vốn này vì không phải thế chấp tài sản và được tín nhiệm. Tuy nhiên, một số trường công lập thì lại ngại đi vay mà chỉ chờ vào nguồn tiền ngân sách "rót vào" để thực hiện vì ngại trách nhiệm, và việc thu học phí của các trường công lập còn phụ thuộc vào quy định của nhà nước nên các trường sợ nguồn thu không đủ để trả nợ.
Trong khi đó, các trường tư nhân thì ít có tài sản thế chấp, và đưa ra dự án ít hiệu quả kinh tế hoặc xa thực tiễn dẫn đến khó được duyệt cho vay.
Một số nguồn tin cho rằng thủ tục hành chính cũng là một trở ngại lớn để họ quyết định tiếp cận nguồn vốn này.
HFIC tiền thân là Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TPHCM (HIFU). Riêng lĩnh vực giáo dục và đào tạo đến nay HFIC đã tài trợ 72 dự án với tổng vốn vay dự kiến là 1.318 tỉ đồng trên tổng số 106 dự án (tương đương tổng số vốn vay 2.734 tỉ đồng) của toàn thành phố đầu tư vào trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. |
Lê Hoàng
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn