NHNN vừa đưa ra lấy ý kiến góp ý, lần thứ 3, Dự thảo Thông tư hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phần (CP) của TCTD vượt tỷ lệ quy định. Luật Các TCTD có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011 đã có một số quy định liên quan đến sở hữu CP của các TCTD. Tuy nhiên, đến nay một số TCTD chưa chủ động điều chỉnh tỷ lệ sở hữu CP để phù hợp với quy định này. Do vậy, vẫn còn hiện tượng một cá nhân, tổ chức sở hữu CP với số lượng lớn, vượt tỷ lệ theo quy định, có khả năng chi phối hoạt động của TCTD.
Theo thống kê của NHNN, hiện có 5/33 NHTMCP có cá nhân sở hữu cổ phần vượt 5% vốn điều lệ; 5/33 NHTMCP có tổ chức sở hữu vượt 15% vốn điều lệ. Ngoài ra, có 8/33 NHTMCP có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu CP vượt tỷ lệ 20% vốn điều lệ. Chưa hết, qua kết quả thanh tra của NHNN cho thấy, không ít cổ đông lớn và người có liên quan tại các NHTMCP vi phạm quy định về sở hữu CP dẫn đến thao túng, chi phối NH nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích của cổ đông lớn. Hệ quả của tình trạng trên đã đẩy NH đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch hoặc công tác quản trị, điều hành không tuân thủ nguyên tắc thận trọng và các quy định của pháp luật.
Để chấn chỉnh tình trạng này, NHNN sẽ ban hành Thông tư riêng quy định về việc xử lý các trường hợp sở hữu CP vượt quy định cho phép tại Luật Các TCTD. Theo Dự thảo Thông tư này, NHNN chia ra hai trường hợp để xử lý là sở hữu CP vượt giới hạn quy định tính từ thời điểm trước và sau ngày Luật Các TCTD có hiệu lực (1/1/2011).
Trường hợp thứ nhất: đối với cổ đông, cổ đông và nhóm người có liên quan sở hữu CP vượt giới hạn phát sinh trước ngày 1/1/2011, tại Khoản 1 Điều 3 của Dự thảo, NHNN yêu cầu chậm nhất là hết ngày 31/3/2015 TCTD phải có kế hoạch xử lý dứt điểm, trừ trường hợp đang thực hiện theo phương án tái cơ cấu TCTD được NHNN hoặc Thủ tướng phê duyệt. Nếu quá thời hạn 31/12/2014 hoặc quá thời hạn cam kết trong phương án tái cơ cấu được NHNN hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt TCTD vẫn chưa đảm bảo việc sở hữu CP trong giới hạn theo quy định, NHNN sẽ có biện pháp xử lý mạnh tay.
Dự kiến NHNN sẽ yêu cầu TCTD thực hiện biện pháp mang tính bắt buộc: cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó phải chuyển nhượng CP cho NHNN hoặc TCTD do NHNN chỉ định. Các đối tượng này không được quyền biểu quyết đối với số CP sở hữu vượt tỷ lệ quy định và không được đề cử, ứng cử làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của TCTD khi TCTD bầu bổ sung hoặc bầu nhiệm kỳ mới Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát trong thời gian còn sở hữu CP vượt tỷ lệ.
Đối với trường hợp thứ hai, TCTD có cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu CP vượt giới hạn quy định phát sinh sau ngày Luật Các TCTD có hiệu lực, NHNN sẽ có biện pháp mạnh tay hơn. Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ các biện pháp sẽ được áp dụng: cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được mua CP do TCTD đó phát hành thêm. Đồng thời phải xử lý số CP sở hữu vượt giới hạn quy định của pháp luật thông qua hình thức chuyển nhượng CP cho các nhà đầu tư khác hoặc phải chuyển nhượng CP theo chỉ đạo của NHNN. Trong trường hợp cần thiết NHNN sẵn sàng phương án sáp nhập, hợp nhất với TCTD khác hoặc thực hiện tái cơ cấu theo yêu cầu của cơ quan quản lý...
Theo lãnh đạo Viện CIEM, việc NHNN phân rõ hai đối tượng để đưa ra các giải pháp xử lý cụ thể là rất cần thiết vì tình trạng sở hữu chéo có liên quan những diễn biến thực tế có tính lịch sử. “Mà đã là lịch sử phải phân kỳ, phân đoạn chứ không thể cộng dồn lại để xử lý được. Nếu không, sẽ rơi vào tình cảnh vi phạm pháp lý khi hệ thống quy phạm pháp luật nước ta khá chồng chéo. Luật đá luật vẫn đang diễn ra”, vị này nhấn mạnh.
Một trong điểm sửa đổi tại Dự thảo Thông tư là cổ đông là cá nhân, tổ chức có người đại diện là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD sở hữu CP vượt giới hạn quy định tại Luật Các TCTD trong thời gian đảm nhận các chức danh trên, được phép chuyển nhượng số CP sở hữu vượt giới hạn thay vì bị cấm như trước đây. Việc sửa đổi này được NHNN lý giải trong nhiều trường hợp, những đối tượng đang đảm nhiệm chức vụ nêu trên lại liên quan đến việc sở hữu CP vượt tỷ lệ mà quy định không cho phép chuyển nhượng nên rất khó để thực hiện thoái vốn.
Đặc biệt, NHNN chốt quy định cứng trong Dự thảo Thông tư về nguyên tắc chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế CP. Theo đó, việc chuyển nhượng CP của cổ đông lớn, chuyển nhượng CP dẫn đến cổ đông thường thành cổ đông lớn và ngược lại phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản trước khi tiến hành chuyển nhượng và thực hiện theo quy định của NHNN...
Theo đánh giá của một số chuyên gia, nếu chỉ riêng quy phạm của Thông tư này thì rất khó để ngăn chặn hoàn toàn vấn đề sở hữu chéo vì mới chỉ giải quyết bề nổi của “tảng băng chìm”. Thực tế sở hữu chéo rất phức tạp, liên quan đến nợ xấu, vi phạm pháp lý, minh bạch thông tin và nhiều vấn đề có thể phát sinh trong thực tế do khách quan lẫn chủ quan...
“Nhưng việc ban hành Thông tư hướng dẫn xử lý việc sở hữu CP của TCTD vượt tỷ lệ quy định rất cần thiết cho thấy quyết tâm cải cách của cơ quan quản lý thông qua các cam kết và tăng kỷ luật chính sách đối với các thành viên tham gia thị trường tài chính NH”, một chuyên gia NH nhận định.
Hà Thành
Theo Thời báo Ngân hàng