Báo cáo gần đây nhất thì khác.
Hoàn thành ngày 24/4/2014, bản báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh ký vẫn được một số thành viên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội - cơ quan thẩm tra báo cáo - cho là quá lạc quan.
Về tổng thể, có thể là như thế. Nhưng ở từng câu chữ đã thấy rõ hơn những lo lắng.
“Nợ công tuy vẫn nằm trong giới hạn an toàn, nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn”, phần tồn tại hạn chế tại báo cáo nêu rõ.
Nửa năm trước, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, báo cáo của Chính phủ vẫn có một khẳng định quen thuộc: “Nợ chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn”.
Con số được nêu tại báo cáo khi ấy là, đến cuối năm 2013, dư nợ công ước khoảng 56,2% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 42,6% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 39,5% GDP.
Thế nhưng, hai chữ an toàn dường như chưa mang lại sự an tâm.
Nợ công có lẽ sẽ là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận về an ninh tài chính quốc gia trong năm 2014, bởi con số thực của nợ công là bao nhiêu, đâu là ngưỡng an toàn vẫn là câu hỏi ngỏ. Nhận định này của một chuyên gia trên VnEconomy vào ngày cuối cùng của năm 2013 dường như đã được khẳng định chắc chắn hơn, sau bốn tháng đầu năm 2014.
Vào ngày 28/4, trong Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 204 mà theo nhận xét của TS. Lê Đăng Doanh là “một diễn đàn có chất lượng nhất ở Việt Nam hiện nay về tinh thần khoa học, gắn bó với thực tiễn, trung thực, thẳng thắn và xây dựng”, nguy cơ từ nợ công đã lại được đặt ra.
Cùng với nợ xấu, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng quan niệm về nợ công chưa thực sự rõ ràng, còn nhiều điểm khác với quốc tế, số liệu về nợ là đang khác nhau, sai số quá lớn và chuẩn mực đo không thống nhất. Mặt khác, quy mô nợ lớn và xu hướng gia tăng là nhanh.
“Dường như chúng ta có xu hướng đánh giá thấp nguy cơ của nợ công hơn thực tế”, ông Thiên chỉ ra nguy cơ của nguy cơ về nợ công.
Trở lại ba chữ " rất khó khăn" của Bộ trưởng Vinh tại báo cáo sẽ trình Quốc hội. Để nói rõ hơn cho nhận định này, bản báo cáo cung cấp thêm khá nhiều thông tin. Đó là khối lượng huy động vốn trái phiếu Chính phủ rất lớn, bình quân khoảng trên 400 nghìn tỷ đồng/năm trong ba năm tới, bằng khoảng 8-9% GDP, bao gồm huy động để bù đắp bội chi, đảo nợ và để đầu tư. Trong khi việc huy động trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn chiếm tới 80%, vay dài hạn chỉ chiếm 20%, dẫn đến tần suất, mức trả nợ sẽ rất cao.
Mặt khác, việc huy động hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính như ngân hàng thương mại chiếm 86%, các định chế tài chính khác chiếm 12%, có thể sẽ dẫn đến việc dòng tiền của hệ thống ngân hàng chỉ tập trung vào trái phiếu mà thu hẹp đầu tư vào sản xuất kinh doanh, Chính phủ nhìn nhận.
Phân tích tiếp theo được báo cáo nêu là trong 2013, lãi suất thị trường ít chịu tác động của việc phát hành trái phiếu Chính phủ do đầu ra tín dụng cho sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc phát hành lượng trái phiếu Chính phủ quy mô lớn sẽ có nhiều tác động tiêu cực đén mặt bằng lãi suất và chi phí vốn vay của doanh nghiệp, cũng như lạm phát trong năm 2014 và các năm tiếp theo.
Bản báo cáo chứa đựng những kiến giải nêu trên đã đến tay các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào chiều 29/4, ở phiên họp toàn thể chuẩn bị báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Nhưng, trước đó một ngày, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đã nhận định “nợ công không phải nhẹ nhàng như ta hiểu, đặc biệt tỷ lệ nợ phải trả so với thu ngân sách”.
Đại biểu Lịch đề nghị Ủy ban Kinh tế kiến nghị Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới cần có phiên thảo luận riêng để bàn lại về nợ công.
“Không thể cứ nói là an toàn, phải bàn lại xem thực chất nợ công là thế nào, đặc biệt là nợ trung hạn, nếu không khéo khi nợ dài hạn đến hạn trả là không chịu nổi”, ông Lịch nhấn mạnh.
Nguyên Thảo
Theo VnEconomy