Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chính thức trình Quốc hội đề nghị của Chính phủ về việc xóa tiền phạt chậm nộp thuế cho DN.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong thời gian qua (2008 - 2013), nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do những nguyên nhân khách quan như: thị trường tiêu thụ khó khăn, tồn kho sản phẩm cao; lạm phát ở mức cao; tín dụng vay ngân hàng cao (trên 20%/năm); chu kỳ sản xuất kéo dài; bị khách hàng chậm thanh toán lớn ... dẫn đến việc chậm nộp tiền thuế, khi đó doanh nghiệp sẽ bị phạt chậm nộp tiền thuế mức 0,05%/ngày (18,3%/năm) đối với số tiền thuế chậm nộp. Doanh nghiệp bị phạt chậm nộp sẽ khi tiếp cận về tín dụng lại càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS không nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và đề nghị cần cân nhắc việc xóa tiền phạt chậm nộp tiền thuế như Tờ trình của Chính phủ. Vì: “Bản chất tiền phạt chậm nộp thuế là khoản tiền phạt do vi phạm hành chính về thuế, do đó việc xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và không công bằng đối với các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật” – ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phùng Quốc Hiển, một số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, hiện nay số lượng các doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động rất lớn, do đó nhất trí với Tờ trình của Chính phủ nhưng chỉ nhất trí xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế trong trường hợp Doanh nghiệp nợ thuế do ngân sách nhà nước nợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, về thời điểm xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế đối với các doanh nghiệp trước thời điểm 01/7/2013 là quá rộng. Do đó, đề nghị cân nhắc, xem xét việc xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế trước năm 2008. Có ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, vì việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nộp khoản nợ thuế gốc, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
Theo phân tích của Chính phủ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013 đã xử lý được một số vướng mắc của Luật Quản lý thuế về công tác quản lý thu nợ thuế. Tuy nhiên, đối với tiền phạt chậm nộp phát sinh trước 01/7/2013 theo Luật Quản lý thuế vẫn chưa có cơ chế tháo gỡ. Trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, nhiều người nộp thuế đã rất nỗ lực để nộp tiền thuế phát sinh, khó có khả năng nộp tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, nhất là trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn bất khả kháng. Hiện tại có những trường hợp tiền phạt chậm nộp lớn hơn tiền thuế, nếu không có giải pháp và cơ chế xử lý phù hợp thì số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp không thu được ngày càng tăng lên, gây áp lực cho người nộp thuế khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn, có trường hợp sẽ lâm vào tình trạng giải thể, phá sản hoặc nghỉ kinh doanh.
Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Chính phủ trình Quốc hội cho phép: “Xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 01/7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2014. Thẩm quyền xóa nợ thuế thực hiện theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, để tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, Chính Phủ trình Quốc hội cho phép: Căn cứ tình hình thực tế và điều kiện trang bị công nghệ thông tin, Chính phủ quy định cụ thể việc người nộp thuế không phải nộp các chứng từ trong hồ sơ khai, nộp thuế, hồ sơ hoàn thuế và các hồ sơ thuế khác mà cơ quan quản lý nhà nước đã có./.
Vũ Hạnh