Tổng cục Thống kê vừa cho biết, so với tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 đã tiếp tục giảm 0,23%, nối tiếp xu thế tăng trưởng âm của tháng 11 (âm 0,26%). Đây là tháng thứ 3 của năm nay chỉ số giá giảm.
Kéo theo, so với tháng 12/2013, giá tiêu dùng mới tăng 1,86% và trung bình năm nay so với năm 2013, giá tiêu dùng chỉ tăng 3,95%.
Theo bảng công bố của Tổng cục, chỉ có 2 nhóm giảm giá mạnh là nhà ở vật liệu xây dựng, giảm 0,88% và nhóm giao thông giảm sâu tới 3,01%. Xu hướng âm giá này hoàn toàn thuận chiều theo xu hướng giảm giá xăng dầu liên tục theo giá dầu thô hiện nay. Chỉ từ cuối tháng 7, giá xăng dầu bán lẻ đã giảm liên tục 13 lần với mức giảm kỷ lục nhất từ trước đến nay, giảm tới 26-29%.
Các nhóm hàng còn lại đều tăng rất khiêm tốn dưới 0,5% như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng có 0,04%, trong đó, thực phẩm không tăng, tốc độ giá bằng 0%. Nhóm đồ uống thuốc lá tăng 0,24%, nhóm giày dép mũ nón may mặc tăng 0,5%.
Nhóm bưu chính viễn thông bỗng trở thành nhóm tăng mạnh nhất, nhưng cũng chỉ ở tỷ lệ 0,92%.
Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, mức lạm phát dưới 2% của Việt Nam năm nay thấp hơn cả năm 1996 là 4,5%, năm 1997 là 3,7%, năm 2002 tăng 4%, năm 2003 tăng 3%.
Mức lạm phát trên chỉ cao hơn giai đoạn kinh tế bị giảm phát như năm 1999, lạm phát 0,1%, năm 2000, lạm phát âm 0,6%.
Trên thực tế, tại các nước phát triển, lạm phát trung bình chỉ từ 2-4%. Nếu theo cách tính bình quân tháng như các nước này, lạm phát sẽ được lấy theo con số 3,95%. Con số này là không thấp.
Mục tiêu năm 2015, Chính phủ sẽ kiểm soát lạm phát trong ngưỡng 4-5%.
Phạm Huyền