Phát biểu trên được ông Soren Davidsen đưa ra tại hội thảo về vai trò của DN trong phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cùng Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức hôm nay 24.10.
Vòng luẩn quẩn đó, theo ông Davidsen là công chức nhà nước gây khó dễ khiến DN và người dân có động cơ đưa hối lộ, sau đó khó khăn được giải quyết khiến công chức có động cơ để tiếp tục chu trình gây khó dễ.
Báo cáo của ông Davidsen cho hay 63% DN phải trả các khoản phí không chính thức nhằm tạo ra cơ chế ngầm để được giải quyết công việc nhanh chóng; 63% DN nói công chức cố tình kéo dài thời gian xử lý để gây khó dễ; 79% công chức đổ lỗi cho lương thấp là động cơ để tham nhũng… Đặc biệt, 75% DN hối lộ dù không bị gợi ý.
Dẫn số liệu từ khảo sát tham nhũng từ góc nhìn của người dân, DN và cán bộ, công chức, viên chức do Thanh tra Chính phủ và WB công bố hồi năm ngoái, ông Davidsen kết luận từ năm 2005 đến năm 2012, tình trạng tham nhũng của công chức không được cải thiện mà ngày càng tệ hại hơn.
Cụ thể, nếu như năm 2005, 56% DN cho biết có hiện tượng kéo dài thời gian giải quyết công việc, thì năm 2012 tăng lên tới 67%; đối với chuyện giải thích không rõ để cố tình bắt lỗi DN, năm 2005 khoảng 45% thì năm 2012 tăng lên 66%; bám vào các quy định không chặt chẽ để bắt bí DN thì năm 2005 khoảng 39%, năm 2012 tăng lên 54%; đưa thông tin hù dọa gây sức ép tăng từ 16% lên 23% vào năm 2012…
Tuy nhiên, ông Helge Schroder, chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, cho rằng DN hãy chủ động trong phòng chống tham nhũng vì tham nhũng làm tăng chi phí kinh doanh, hủy hoại lòng tin và tác động xấu đến cạnh tranh của đất nước.
Ông cũng cho rằng DN thường được xem là bên “cung” của tham nhũng nên nút thắt để gỡ ra khỏi vòng luẩn quẩn cũng chính từ DN. Do đó, DN cần xây dựng một chính sách liêm chính trong kinh doanh như DN của các nước tiên tiến trên thế giới đang làm.
N.Trần Tâm
Theo Thanh niên