Ngày 15-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) để đánh giá kết quả đợt kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp. Thường trực gồm Tổng Bí thư và Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh khẳng định việc tổ chức bảy đoàn đi kiểm tra, giám sát vừa qua là chủ trương đúng đắn, kịp thời, có tác dụng tốt.
Bảy đoàn đã làm việc với 70 cơ quan, đơn vị trực thuộc 11 tỉnh/thành ủy cùng Đảng ủy Công an Trung ương và ba ban Cán sự Đảng các cơ quan TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Thanh tra Chính phủ. Qua đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng và các đơn vị đã thấy được ưu điểm, hạn chế, ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong phát hiện, xử lý án tham nhũng cũng như các vụ, việc có dấu hiệu tham nhũng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì phiên họp của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN
Tổng hợp kết quả làm việc của bảy đoàn công tác và báo cáo về kết quả tự kiểm tra, giám sát của 63 tỉnh/thành ủy cho thấy công tác phát hiện, xử lý án tham nhũng có phần tích cực hơn. Số vụ án/bị can khởi tố trong kỳ báo cáo tăng; một số vụ trọng điểm, phức tạp từng bị kéo dài nay được xử lý dứt điểm. Tổng Bí thư đánh giá đây là kết quả bước đầu sau khi tổ chức lại Ban Chỉ đạo Trung ương, thành lập Ban Nội chính Trung ương và các ban Nội chính tỉnh/thành ủy.
Tuy nhiên, đợt kiểm tra, giám sát tiếp tục cho thấy số vụ, việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra còn thấp. Việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ vẫn còn kéo dài, trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần. Trong một số trường hợp, việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự với căn cứ chưa thực sự thuyết phục. Vẫn còn tình trạng thay đổi tội danh từ tham nhũng sang tội khác nhẹ hơn. Có trường hợp chuyển xử lý hành chính, cho hưởng án treo, áp dụng mức án chưa tương xứng… Tất cả gây nghi ngờ và dư luận không tốt về chất lượng thanh tra, phát hiện, xử lý án tham nhũng.
Cũng tại cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo về tình hình xử lý với tám vụ án, hai vụ, việc mà Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp theo dõi, đôn đốc. Theo đó, về cơ bản không có vướng mắc gì và hiện các cơ quan pháp luật đang đẩy nhanh tiến độ để sớm giải quyết dứt điểm.
Từ kết quả kiểm tra, giám sát hàng trăm vụ, việc, án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng trên cả nước, Thường trực Ban Chỉ đạo đã xem xét bổ sung một số vụ, việc mới để trực tiếp Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Ở cấp độ thấp hơn, Ban Nội chính Trung ương - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cũng sẽ theo dõi, đôn đốc một số vụ. Đồng thời, các đoàn công tác cũng chỉ ra hàng chục việc mà các ban Thường vụ tỉnh/thành ủy cần đôn đốc, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Nghĩa Nhân
Theo Pháp luật TP