Sau hơn một năm từ thời điểm ban hành cho tới nay, về cơ bản hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh đã hoàn thiện. Nguồn: Internet.
Thực trạng pháp luật về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh ở Việt Nam hiện nay
Quản lý thuế đối với hộ kinh doanh được thực hiện theo quy định về pháp luật quản lý thuế. Bên cạnh đó, Thông tư 92/2015/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế được Bộ Tài chính ban hành ngày 15/06/2015 ra đời nhằm hoàn thiện hơn pháp luật về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh ở Việt Nam hiện nay. Cụ thể:
Trước thời điểm Thông tư 92/2015/TT-BTC có hiệu lực, việc công khai thông tin hộ kinh doanh theo phương pháp khoán được điều chỉnh theo quy định Thông tư 156/2013/TT-BTC về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 22/07/2013.
Thứ nhất, công khai thông tin hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, trong đó việc niêm yết công khai thông tin về hộ kinh doanh nộp thuế khoán cả về mức dự kiến và mức chính thức.
Theo quy định tại Điều 21 Thông tư 156/2013/TT-BTC, Chi cục Thuế thực hiện niêm yết công khai thông tin về hộ kinh doanh nộp thuế khoán tại trụ sở UBND xã, phường, trụ sở Đội thuế, Ban quản lý chợ…và thông báo công khai địa điểm niêm yết cho hộ kinh doanh biết. Việc niêm yết công khai này là lần duy nhất, tức là số thuế khoán mà hộ kinh doanh được niêm yết trong danh sách là số thuế khoán chính thức mà hộ kinh doanh phải nộp.
Việc quy định như trên làm cho hộ kinh doanh bị động trong việc tính toán lại số thuế khoán phải nộp, mặt khác hộ kinh doanh không thể so sánh mức thuế khoán của mình với mức thuế khoán của các hộ kinh doanh cùng loại, cùng ngành nghề trong cùng một địa bàn. Điều này dẫn tới sự thiếu minh bạch trong việc xác định số thuế khoán mà hộ kinh doanh phải nộp.
Để khắc phục hạn chế trên, đồng thời nâng cao tính minh bạch trong việc xác định số thuế khoán phải nộp, theo Khoản 5 và Khoản 10 Điều 6 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định trách nhiệm của Chi cục Thuế phải niêm yết công khai 2 lần, trong đó việc công khai niêm yết lần thứ nhất chỉ nhằm mục đích để lấy ý kiến về mức doanh thu dự kiến, mức thu dự kiến của từng hộ kinh doanh; Lần niêm yết thứ hai, Chi cục Thuế công khai về doanh thu và mức thuế chính thức phải nộp.
Việc quy định như trên giúp các hộ kinh doanh có thể tự chủ động tính toán lại quy mô kinh, doanh thu, ngành hàng và có thể so sánh mức doanh thu này với những hộ kinh doanh khác cùng quy mô, doanh thu, ngành hàng trong cùng địa bàn kinh doanh. Việc công khai niêm yết như trên còn đảm bảo hạn chế sự dàn xếp, sự móc nối của hộ kinh doanh với cán bộ thuế trong việc thỏa thuận ngầm mức thuế khoán phải nộp nhỏ hơn doanh thu thực tế.
Thứ hai, tài liệu niêm yết công khai của hộ kinh doanh theo phương pháp khoán phải gửi tới HĐND, Mặt trận Tổ quốc quận, huyện, xã, phường, thị trấn.
Trước đây không có quy định nào bắt buộc cơ quan thuế phải gửi tài liệu niêm yết công khai tới các cơ quan nói trên. Theo Khoản 5 và Khoản 10 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định rõ trách nhiệm của Chi cục Thuế thì phải gửi tài liệu niêm yết công khai tới HĐND, Mặt trận Tổ quốc quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Việc quy định như vậy nhằm mục đích: Tăng cường sự giám sát của người dân, cơ quan nhà nước tại địa phương; Tăng cường sự chỉ đạo của HĐND, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn trong việc xác định số thuế khoán, thu thuế trên địa bàn.
Thứ ba, tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh có quy mô kinh doanh lớn nhằm tạo ra sự bình đẳng đối với các chủ thể kinh doanh có cùng quy mô và tạo ra sự tự nguyện trong tuân thủ pháp luật thuế.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì nếu hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động thì bắt buộc phải thành lập DN (DN). Theo quy định tại Khoản 12 Điều 6 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì trong trường hợp hộ kinh doanh chưa thành lập DN khi sử dụng từ 10 lao động trở lên thì cơ quan thuế ấn định thuế quy định của pháp luật về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, đồng thời lập danh sách những hộ này gửi tới cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Tỉnh.
Sau đó theo quy định của Luật Doanh nghiệp, hộ kinh doanh bắt buộc phải đăng ký ở cấp Tỉnh để thành lập DN. Trong thời gian hộ kinh doanh chưa chuyển thành DN, cơ quan thuế sẽ tiến hành xây dựng bộ tiêu chí rủi ro đối với đối tượng này theo từng đối tượng, địa bàn quản lý. Việc quy định như trên là hợp lý, bởi vì:
(1) Thông thường những hộ kinh doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên là những hộ có vốn đầu tư kinh doanh lớn, có khi lớn hơn nhiều lần so với DN cùng ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên nhờ những ưu đãi mà Nhà nước dành cho hộ kinh doanh nên họ không muốn chuyển thành DN. Do vậy, phải bắt buộc họ thành lập DN để xác lập quy trình quản lý thuế bình đẳng với các chủ thể kinh doanh khác có cùng quy mô, ngành nghề.
(2) Theo quy định hiện nay, khi tiến hành hành vi kinh doanh, hộ kinh doanh theo phương pháp khoán có thể hoặc không sử dụng hóa đơn (lẻ hoặc quyển). Hộ kinh doanh có quy mô lớn thường có những khách hàng lớn là DN, trong quá trình giao dịch họ phải xuất hóa đơn cho DN để khấu trừ chi phí đầu vào. Do vậy, cần phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn chứng từ của hộ kinh doanh.
(3) Sự tự nguyện tuân thủ thuế là một trong những tiêu chí quyết định tới việc cơ quan thuế có đưa một hộ kinh doanh vào diện quản lý rủi ro về thuế hay không. Khi chuyển từ thuế khoán (hộ kinh doanh) sang tự tính, tự khai, tự nộp thuế (DN) thì tự căn cứ vào doanh thu để tính, khai, nộp thuế chứ không còn phụ thuộc vào sự ấn định của cơ quan thuế.
Điều này tăng cường tính tự giác, tự chấp hành các quy định của pháp luật về thuế đồng thời tăng cường tính tuân thủ pháp luật về thuế của hộ kinh doanh. Nếu không tự thực hiện đầy đủ những quy định đó, chắc chắn hộ kinh doanh sẽ được đưa vào các kế hoạch kiểm tra thuế và thanh tra thuế hàng năm.
Sau hơn một năm từ thời điểm ban hành cho tới nay, về cơ bản hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh đã hoàn thiện, giúp Nhà nước thực hiện được mục đích động viên nguồn thu ngân sách từ hộ kinh doanh. Đồng thời, giúp các cơ quan quản lý thuế có thể dễ dàng quản lý thuế đối với hộ kinh doanh và là căn cứ để cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với những hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Tuy đạt được những thành tựu trên, trong quá trình thực hiện còn một số vướng mắc như sau cần hoàn thiện hơn trong thời gian tới:
Thứ nhất, quy định đăng ký kinh doanh tách rời đăng ký thuế dẫn tới một số hộ kinh doanh cố tình không đi đăng ký thuế, dẫn tới tình trạng chênh lệch giữa số hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh và số hộ đăng ký thuế.
Theo Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 95/2016/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế (có hiệu lực từ ngày 12/08/2016) thì “Hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký thuế cùng với thời hạn nộp hồ sơ khai thuế lần đầu. Trường hợp được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh”.
Khác với việc đăng ký thuế của DN được hiện đồng thời với đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh, thì việc đăng ký thuế và đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh lại tách rời. Tình trạng này khiến số hộ kinh doanh đã đăng ký kinh doanh và số hộ đăng ký thuế có sự chênh lệch về số lượng. Từ đó dẫn tới công tác quản lý hộ kinh doanh không chặt chẽ, tốn kém thời gian, chi phí, bỏ lọt đối tượng thu thuế và làm thất thu cho nguồn thu ngân sách nhà nước.
Thứ hai, khó quản lý được doanh thu theo hóa đơn của hộ kinh doanh. Theo quy định tại Tiết a1 Điểm a Khoản 2 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì “trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn quyển thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn”. Tức là hộ kinh doanh phải nộp cả thuế khoán và thuế dựa trên doanh thu theo hóa đơn.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay nhiều hộ kinh doanh không có đủ kiến ý thức về tài chính kế toán nên việc ghi chép lại sổ sách kế toán gặp khó khăn. Ngoài ra, do khách hàng sử dụng dịch vụ, hàng hóa của hộ kinh doanh thường không lấy hóa đơn nên hộ kinh doanh cũng không xuất hóa đơn (ví dụ như nhà hàng, khách sạn, quán karaoke…), từ đó dẫn tới khó kiểm soát được doanh thu theo hóa đơn để tính thuế.
Giải pháp hoàn hiện quy định về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, đối với hộ kinh doanh thì chỉ những những ngành nghề theo quy định của pháp luật mới phải đăng ký kinh doanh. Ngược lại, một số ngành nghề lại không phải đăng ký kinh doanh như: buôn bán hàng rong; buôn bán vặt; buôn chuyến; thực hiện các dịch vụ như là đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa xe, trông giữ xe, cắt tóc, vẽ tranh (Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 16/03/2007 về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh). Do vậy, để khắc phục tình trạng không quản lý hết số hộ kinh doanh, cơ quan thuế nên chuyển sang chế độ liên thông một cửa như đối với đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế như đối với DN.
Thứ hai, tiếp tục ban hành, hoàn thiện, triển khai đồng bộ quyết liệt các quy định của pháp luật về “siết chặt” hóa đơn bán lẻ của các hộ kinh doanh. Hiện nay việc “siết” hóa đơn được thực hiện theo Công văn số 5156/TCT-KTNB ngày 7/11/2016. Tuy nhiên, cần phải nâng “hiệu lực” của các quy định này lên bằng cách sửa đổi đổi bổ sung Thông tư 92/2015/TT-BTC và đưa các tiêu chí này vào. Mặt khác, để đảm bảo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật, nên đưa các dấu hiệu này vào trong các thông tư, nghị định quy định về hóa đơn, thanh tra, kiểm tra thuế.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai ủy nhiệm thu thuế đối với cá nhân kinh doanh theo phương pháp khoán (cả với sử dụng hóa đơn). Theo đó các cơ quan thuế ở các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động ký các thỏa thuận hợp tác với các cơ quan bưu chính viễn thông, ngân hàng… tại địa phương để thu thuế có hiệu quả. Việc thu này có thể thực hiện theo các phương thức như: Thu tại địa điểm kinh doanh như là đối với hộ kinh doanh ở khu vực chợ, trung tâm thương mại, khu vực đường phố; thu tại hệ thống đơn vị nhận ủy quyền (tại các bưu điện, ngân hàng); thu qua thẻ ngân hàng.
Thứ tư, tiếp tục rà soát bổ sung đầy đủ các quy định cần thiết trong quá trình quản lý thuế đối với hộ kinh doanh để xử lý kịp thời. Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm của hộ kinh doanh trong quá trình cung cấp thông tin cho cơ quan thuế…
Tài liệu tham khảo:
1. Thông tư 156/2013/TT-BTC về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 22/07/2013;
2. Thông tư 92/2015/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh;
3. Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 16/03/2007 về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh;
4. ThS. Ngô Thị Thu Hà, ThS. Đinh Văn Linh, Hoàn thiện hành lang pháp lý về thuế đối với hộ kinh doanh ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 số 5/2016;
5. Số liệu Tổng cục Thống kê về số hộ kinh doanh ở Việt Nam năm 2014.
THS. Ngô Thị Thu Hà
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1, số tháng 3/2017