Từ vụ hoa hậu Phương Nga lộ ra sự thật nhiều người chưa biết!

29/06/2017 10:10 AM

Trong những ngày qua, cư dân mạng thể hiện sự quan tâm cao độ đến vụ án “hoa hậu Phương Nga với đại gia Cao Toàn Mỹ” và thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau (có người bảo Phương Nga phạm tội lừa đảo nhưng cũng có người nói Cao Toàn Mỹ phạm tội vu khống; người cho rằng nhân chứng Mai Phương ngồi phòng cách ly là hợp lý nhưng người bảo là không công bằng…).

Theo tôi, trong số những cảm xúc nêu trên có ý kiến xuất phát từ cơ sở pháp lý, song cũng có những cảm xúc chỉ xuất phát từ cảm xúc. Bởi vậy, sau đây tôi xin trình bày một số nội dung liên quan đến quy định pháp luật Việt Nam hiện hành để phần nào giúp mọi người có góc nhìn khách quan và rõ ràng hơn về sự việc.

1. Bao giờ bị coi là có tội?

Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”.

Như vậy, bất kỳ ai (trong đó bao gồm bị can, bị cáo, người có liên quan đến vụ án) không bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực. Thế nên, tính đến thời điểm này không thể nói hoa hậu Phương Nga hay ông Cao Toàn Mỹ hoặc ai đó là có tội… mà cần phải chờ đợi bản án có hiệu lực của Tòa án (mọi tranh luận của Luật sư, đại diện Viện Kiểm sát… cũng chỉ là lập luận, thông tin ban đầu để Tòa án làm cơ sở tìm ra sự thật khách quan).

Chúng ta không muốn oan sai xảy ra với người khác và càng không muốn oan sai xảy ra với bản thân mình; bởi vậy, chúng ta cần điềm tĩnh chờ đợi kết quả từ cơ quan tiến hành tố tụng, chớ vội vàng phán xét một ai đó là có tội khi chỉ dựa vào thông tin từ Internet.

 

2. Tại sao cho bà Mai Phương vào phòng cách ly?

Trong vụ án này, tính đến thời điểm hiện tại thì bà Nguyễn Mai Phương đang đứng với tư cách người làm chứng (người biết được những tình tiết liên quan đến vụ án và có nghĩa vụ khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án) nhằm giúp cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra sự thật khách quan của vụ án.

Nên việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của bà Mai Phương bằng việc cho ngồi phòng cách ly là cần thiết và hoàn toàn phù hợp đối với quy định tại Khoản 3 Điều 55 của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (Xem chi tiết tại bài viết: Cho bà Mai Phương ngồi phòng cách ly là thấu tình đạt lý).

Chúng ta không muốn ai đó soi mói chuyện đời tư của mình và càng không muốn phải gặp rủi ro đến sức khỏe, tính mạng thì chúng ta cần phải ủng hộ cơ quan công quyền có biện pháp bảo vệ người làm chứng. Bảo vệ quyền lợi tối đa của người làm chứng cũng có nghĩa với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng ta, vì chúng ta ai cũng có thể trở thành nhân chứng trong tương lai.

Thanh Hữu

Chia sẻ bài viết lên facebook 75,067

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079