Về vấn đề này, Thông tư 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ, việc thi hành kỉ luật đối với học sinh phạm khuyết điểm trong việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của mình với 5 hình thức (từ nhẹ đến nặng):
(1) Khiển trách trước lớp;
(2) Khiển trách trước hội đồng kỉ luật nhà trường;
(3) Cảnh cáo trước toàn trường;
(4) Đuổi học một tuần lễ;
(5) Đuổi học 1 năm.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Đối với giáo viên chủ nhiệm
Chỉ được xem xét quyết định khiển trách trước lớp đối với học sinh vi phạm một trong các hành vi sau đây sau khi đã tham khảo ý kiến của cán bộ chi đoàn và cán bộ lớp:
- Nghỉ học không xin phép từ 3 buổi trở lên trong thời gian 1 tháng.
- Không thuộc bài hoặc làm bài, không chuẩn bị bài đầy đủ do thầy, cô giáo quy định từ 3 lần trở lên trong thời gian 1 tháng.
- Đi học không đúng giờ hoặc đi lao động không mang theo dụng cụ lao động mà nhà trường đã quy định từ 3 lần trở lên trong thời gian 1 tháng.
- Nói năng thô tục, đánh bạc (chơi số đề) hút thuốc lá…
- Mắc khuyết điểm sai phạm thuộc những điều nhà trường ngăn cấm, dù chỉ là một lần, song đã có tác hại nhất định đến việc giáo dục toàn diện của nhà trường như: quay cóp hoặc gà bài cho bạn trong giờ kiểm tra bài, có thái độ kém văn hoá hoặc hành vi thiếu đạo đức đối với thầy cô giáo, đối với cha mẹ, bạn bè và những người xung quanh, gây mất đoàn kết trong tổ, nhóm học tập, bao che hoặc đồng tình với hành động sai phạm của bạn, không báo cáo với nhà trường những việc làm sai trái của bạn mà mình đã biết để nhà trường có biện pháp ngăn ngừa kịp thời, hoặc kiểm điểm sai phạm khác mà tính chất và mức độ có tác hại tương đương.
Trường hợp phát hiện những học sinh mắc khuyết điểm, sai phạm từ mức độ cần đề nghị khiển trách trước Hội đồng kỉ luật nhà trường trở lên (đã được quy định cụ thể tại Thông tư 08/TT), giáo viên chủ nhiệm lớp phải lập hồ sơ và báo cáo ngay với Hiệu trưởng và Hội đồng kỉ luật của nhà trường để xét và thi hành kỉ luật kịp thời.
Đối với giáo viên bộ môn
Để đảm bảo tính sư phạm và tính nghiêm túc của việc giảng dạy và học tập trong giờ lên lớp, giáo viên bộ môn có thể tạm thời đình chỉ việc học tập và đưa lên để Hiệu trưởng giáo dục những học sinh mắc phải một trong các sai phạm như:
- Nói năng hoặc có thái độ vô lễ đối với thầy cô giáo;
- Gây gổ đánh nhau với bạn bè trong lớp;
- Gây mất trật tự làm ảnh hưởng đến việc học tập của tập thể lớp, mặc dù đã được thầy cô giáo khuyên răn, nhắc nhở,…
Trường hợp phát hiện các vi phạm của học sinh ngoài giờ lên lớp thì giáo viên bộ môn có thể thông báo với giáo viên chủ nhiệm lớp xem xét quyết định khiển trách trước lớp hoặc chuyển vụ việc lên cho Hiệu trưởng, Hội đồng kỉ luật của nhà trường để xét và thi hành kỉ luật kịp thời đối với học sinh vi phạm.
Ngoài ra, việc xử lý kỷ luật học sinh vi phạm còn được căn cứ vào các quy định tại:
- Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010. Theo đó, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp:
+ Nhắc nhở, phê bình;
+ Thông báo với gia đình.
- Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011. Theo đó, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức:
+ Phê bình trước lớp, trước trường;
+ Khiển trách và thông báo với gia đình;
+ Cảnh cáo ghi học bạ;
+ Buộc thôi học có thời hạn.
Thanh Lợi