Đương sự trong vụ án hành chính bao gồm ai?
Đương sự trong vụ án hành chính bao gồm: người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân (sau đây gọi chung là danh sách cử tri).
Người khởi kiện trong vụ án hành chính có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
- Có quyền và nghĩa vụ chung của đương sự trong vụ án hành chính tại Điều 55 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi năm 2019);
- Thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước, danh sách cử tri bị khởi kiện.
Người bị kiện có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
- Có quyền và nghĩa vụ chung của đương sự trong vụ án hành chính tại Điều 55 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi năm 2019);
- Được Tòa án thông báo về việc bị kiện;
- Chứng minh tính đúng đắn, hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện;
- Sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nướcdanh sách cử tri bị khởi kiện; dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án nhân dân chấp nhận hoặc được Tòa án nhân dân đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể có yêu cầu độc lập, tham gia tố tụng với bên khởi kiện hoặc với bên bị kiện.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì có quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện tại mục (1.2).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên khởi kiện hoặc chỉ có quyền lợi thì có quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 55 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi năm 2019).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên bị kiện hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có quyền, nghĩa vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 57 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi năm 2019).
Căn cứ pháp lý: Khoản 8, 9, 10 Điều 3, Điều 55 – 58 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi năm 2019).
>>> Xem thêm: Trong tố tụng hành chính, thời hạn kháng cáo bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là bao nhiêu ngày?
Diễm My