Có được rẽ phải khi đèn đỏ?

25/07/2022 16:47 PM

Nhiều người có thói quen rẽ phải khi gặp đèn đỏ. Tuy nhiên trong một số trường hợp rẽ phải khi đèn đỏ thì người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt hành chính. Vậy những trường hợp nào được phép rẽ phải khi đèn đỏ, trường hợp nào không được phép rẻ phải khi đèn đỏ và mức xử phạt với hành vi rẽ phải khi đèn đỏ trái quy định như thế nào?

1. Những trường hợp được phép rẽ phải khi đèn đỏ

- Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông:

Người tham gia giao thông phải tuân thủ hệ thống báo hiệu đường bộ theo thứ tự hiệu lực được quy định tại Điều 4 Quy chuẩn kỹ thuật 41:2019/BGTVT như sau:

+ Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;

+ Hiệu lệnh của đèn tín hiệu;

+ Hiệu lệnh của biển báo hiệu;

+ Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.

Ngoài ra, khi ở một vị trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời.

(Biển có tính chất tạm thời là biển sử dụng mang tính tình huống nhằm tổ chức điều khiển giao thông có tính chất ngắn hạn như trong các sự kiện, sự cố giao thông hay sử dụng trong quá trình thi công hoặc sửa chữa đường).

Như vậy, khi đèn đỏ mà có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông cho phép rẽ phải thì người tham gia giao thông được phép rẽ phải.

Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông (Hình từ internet)

- Có biển báo phụ cho rẽ phải:

Biển báo phụ cho phép rẽ phải có hình chữ nhật, thường gắn ngay dưới cột đèn tín hiệu, có nền xanh chữ trắng. Trường hợp biển báo có thêm ký hiệu xe máy, thì chỉ có xe máy mới được phép rẽ phải, các phương tiện khác phải dừng lại trước vạch kẻ đường khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu đỏ.

Biển báo phụ cho rẽ phải (Hình từ internet)

- Có đèn báo hiệu hình mũi tên chuyển màu xanh, cho phép rẽ phải được lắp đặt kèm theo đèn tín hiệu giao thông:

+ Đây là đèn tín hiệu phụ, được lắp đặt kèm theo đèn tín hiệu giao thông thông thường. Có mũi tên màu xanh (được phép rẽ) hoặc màu đỏ (không được phép rẽ)

+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu liệu và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.

Đèn báo hiệu cho phép rẽ phải (Hình từ internet)

- Có vạch mắt võng:

+ Theo Quy chuẩn kỹ thuật 41:2019/BGTVT thì vạch mắt võng có màu vàng, được đan xen với nhau, xuất hiệu ở làn xe trong cùng của người đi đường. Vạch này sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí để tránh ùn tắc giao thông.

+ Khi đi trên vạch mắt võng này thì buộc phải rẽ phải, không được dừng hay đỗ xe.

Vạch mắt võng (Hình từ internet)

- Tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông: Trong trường hợp này, người điều khiển phương tiện sẽ được rẽ phải ngay cả khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ.

Tiểu đảo phân luồng cho rẽ phải (Hình từ internet)

Lưu ý: Phải bật xi nhan khi rẽ và nhường cho người đi bộ trong trường hợp rẽ phải khi đèn đỏ.

2. Những trường hợp không được phép rẽ phải khi đèn đỏ

Nếu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường mà không thuộc các trường hợp được phép rẽ phải khi đèn đỏ tại mục (1) thì sẽ không được phép rẽ phải khi đèn đỏ, nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt như mục (3).

3. Xử phạt vi phạm hành chính lỗi rẽ phải khi đèn đỏ trái quy định

Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì trường hợp lỗi rẽ phải khi đèn đỏ trái quy định sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng và tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng đối với xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm. (Điểm a khoản 5 và điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

- Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng và tước quyền sử dụng GPLX đối với xe mô tô; xe gắn máy; xe gắn máy điện; các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy vi phạm. (Điểm e khoản 4 và điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

- Phạt tiền từ từ 2.00.000 – 3.000.000 đồng và tước quyền sử dụng GPLX; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 01 tháng – 03 tháng đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm. (Điểm đ khoản 5 và Điểm a khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

- Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng đối với xe đạp; xe đạp máy, xe đạp điện, xe thô sơ khác vi phạm. (Điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

Thanh Rin

Chia sẻ bài viết lên facebook 67,576

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079