Mua sắm trực tiếp là gì? Quy trình mua sắm trực tiếp trong đấu thầu

04/08/2022 15:45 PM

“Khi thực hiện hoạt động đấu thầu thì mua sắm trực tiếp đóng vai trò gì?” Vân Anh (Cần Thơ)

Mua sắm trực tiếp là gì? Quy trình mua sắm trực tiếp trong đấu thầu

Mua sắm trực tiếp là gì? Quy trình mua sắm trực tiếp trong đấu thầu

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Mua sắm trực tiếp là gì?

Mua sắm trực tiếp được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm hoặc thuộc dự án, dự toán mua sắm khác.

(Khoản 1 Điều 24 Luật Đấu thầu 2013)

2. Điều kiện áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp

Hình thức mua sắm trực tiếp được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó;

- Gói thầu có nội dung, tính chất tương tự và quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký hợp đồng trước đó;

- Đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó;

- Thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng.

Lưu ý: Trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì được áp dụng mua sắm trực tiếp đối với nhà thầu khác nếu đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật và giá theo hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu trước đó.

(Khoản 2 Điều 24 Luật Đấu thầu 2013)

3. Phương thức lựa chọn gói thầu mua sắm trực tiếp

Phương thức lựa chọn gói thầu mua sắm trực tiếp: Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ

(Điểm đ khoản 1 Điều 28 Luật Đấu thầu 2013)

4. Quy trình lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm trực tiếp 

Quy trình lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm trực tiếp được thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu

- Lập hồ sơ yêu cầu

Việc lập hồ sơ yêu cầu phải căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP

Hồ sơ yêu cầu bao gồm các nội dung:

+ Thông tin tóm tắt về dự án, gói thầu;

+ Yêu cầu nhà thầu cập nhật thông tin về năng lực;

+ Yêu cầu về tiến độ cung cấp và cam kết cung cấp hàng hóa bảo đảm kỹ thuật, chất lượng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu trước đó;

+ Yêu cầu về đơn giá của hàng hóa. 

Trường hợp hàng hóa thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp là một trong nhiều loại hàng hóa thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó thì quy mô của hàng hóa áp dụng mua sắm trực tiếp phải nhỏ hơn 130% quy mô của hàng hóa cùng loại thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó;

- Hồ sơ yêu cầu phải được thẩm định theo quy định tại Điều 105 Nghị định 63/2014/NĐ-CP trước khi phê duyệt;

- Việc phê duyệt hồ sơ yêu cầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ yêu cầu.

(Khoản 1 Điều 60 Nghị định 63/2014/NĐ-CP)

Bước 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu

- Hồ sơ yêu cầu được phát hành cho nhà thầu đã được lựa chọn trước đó. 

Trường hợp nhà thầu này không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì phát hành hồ sơ yêu cầu cho nhà thầu khác nếu nhà thầu này đáp ứng quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

- Nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu.

(Khoản 2, 3 Điều 60 Nghị định 63/2014/NĐ-CP)

Bước 3: Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu

- Đánh giá hồ sơ đề xuất:

+ Kiểm tra các nội dung về kỹ thuật và đơn giá;

+ Cập nhật thông tin về năng lực của nhà thầu;

+ Đánh giá tiến độ thực hiện, biện pháp cung cấp hàng hóa, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện gói thầu;

+ Các nội dung khác (nếu có).

- Trong quá trình đánh giá, bên mời thầu mời nhà thầu đến thương thảo, làm rõ các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất nhằm chứng minh sự đáp ứng của nhà thầu theo yêu cầu về năng lực, tiến độ, chất lượng, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện gói thầu;

- Bên mời thầu phải bảo đảm đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó, đồng thời phù hợp với giá cả thị trường tại thời điểm thương thảo hợp đồng.

(Khoản 4 Điều 60 Nghị định 63/2014/NĐ-CP)

Bước 4: Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu

Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả mua sắm trực tiếp:

- Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được, thẩm định theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 106 Nghị định 63/2014/NĐ-CP trước khi phê duyệt;

- Việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt và báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu;

- Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được thông báo bằng văn bản cho tất cả các nhà thầu tham gia nộp hồ sơ đề xuất và công khai theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

(Khoản 5 Điều 60 Nghị định 63/2014/NĐ-CP)

Bước 5: Hoàn thiện, ký kết hợp đồng

Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đề xuất và các tài liệu liên quan khác.

(Khoản 6 Điều 60 Nghị định 63/2014/NĐ-CP)

Ngọc Nhi

Chia sẻ bài viết lên facebook 129,182

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079