Xác định dân tộc cho con khi làm giấy khai sinh

02/08/2022 16:31 PM

Tôi và vợ tôi là hai người thuộc hai dân tộc khác nhau. Vậy khi làm giấy khai sinh, con tôi sẽ thuộc dân tộc nào? Yếu tố xác định dân tộc là gì? - Đây là câu hỏi của bạn Thanh Phong đến từ Lâm Đồng.

Xác định dân tộc cho con khi làm giấy khai sinh

Xác định dân tộc cho con khi làm giấy khai sinh

Về vấn đề này,THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Giấy khai sinh là gì? 

Theo khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014, giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch 2014.

Cụ thể, nội dung của đăng ký khai sinh được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP gồm:

- Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;

- Quốc tịch của trẻ em được xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh. Thủ tục cấp số định danh cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật Căn cước công dânNghị định quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ với Luật Hộ tịch 2014Nghị định 123/2015/NĐ-CP;

- Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014.

Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra.

- Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014.

2. Xác định, xác định lại dân tộc trong giấy khai sinh

Hiện nay, dân tộc bao gồm “dân tộc thiểu số” và “dân tộc đa số”. Cụ thể tại khoản 1, 2 Điều 4 Nghị định 05/2011/NĐ-CP quy định:

- “Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- “Dân tộc đa số” là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước, theo điều tra dân số quốc gia.

Căn cứ tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình. Cụ thể như sau:

2.1. Xác định dân tộc

Về việc xác định dân tộc cho cá nhân khi khai sinh, theo khoản 2 Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 quy định: “Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự”.

Theo đó, tùy từng trường hợp khác nhau, việc xác định dân tộc trong giấy khai sinh sẽ thực hiện khác nhau theo khoản 2 Điều 29 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Trường hợp 1: Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.

- Trường hợp 2: Trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó.

- Trường hợp 3: Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

2.2. Xác định lại dân tộc

Theo khoản 11 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014, xác định lại dân tộc là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký xác định lại dân tộc của cá nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp tại quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 29 Luật Hộ tịch 2014 như sau:

- Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;

- Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình.

Ngoài ra, việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó và cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam. (Theo khoản 4, 5 Điều 29 Luật Hộ tịch 2014)

3. Thẩm quyền và thủ tục xác định lại dân tộc trong giấy khai sinh

3.1. Thẩm quyền xác định lại dân tộc

Căn cứ tại Điều 46 Luật Hộ tịch 2014 quy định thẩm quyền xác lại dân tộc như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của người nước ngoài có thẩm quyền giải quyết việc cải chính, bổ sung hộ tịch đối với người nước ngoài đã đăng ký hộ tịch tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã đăng ký hộ tịch trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc.

3.2. Thủ tục xác định lại dân tộc

Căn cứ tại Điều 47 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục xác định lại dân tộc như sau:

- Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch được áp dụng theo quy định tại Điều 28 của Luật Hộ tịch 2014.

Trường hợp yêu cầu xác định lại dân tộc thì phải có giấy tờ làm căn cứ chứng minh theo quy định của pháp luật; trình tự được thực hiện theo quy định tại Điều 28 Luật Hộ tịch 2014.

- Thủ tục yêu cầu bổ sung thông tin hộ tịch được áp dụng theo quy định tại Điều 29 Luật Hộ tịch 2014.

Chia sẻ bài viết lên facebook 7,046

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079