Mức phạt với hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động không thông báo
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì hộ kinh doanh là do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh.
Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Theo Điều 92 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh như sau:
- Khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh phải gửi thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký. Kèm theo thông báo phải có các giấy tờ sau đây:
+ Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của Cơ quan thuế;
+ Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
+ Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
- Hộ kinh doanh có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản nợ, gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện trước khi nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh, trừ trường hợp hộ kinh doanh và chủ nợ có thỏa thuận khác.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh.
Từ quy định trên thì khi hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động phải thực hiện việc gửi thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký.
Đối với hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động nhưng không thông báo có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 63 Nghị định 122/2021/NĐ-CP với mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
+ Thay đổi chủ hộ kinh doanh nhưng không gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;
+ Tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo nhưng không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;
+ Chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
+ Chấm dứt hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không thông báo hoặc không nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
+ Thay đổi ngành, nghề kinh doanh nhưng không gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính;
+ Hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
- Ngoài việc bị xử phạt tiền thì hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động nhưng không thông báo còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đối với hành vi vi phạm.
Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì bị phạt gấp đôi.
Quốc Đạt