Đối xử tối huệ quốc là gì? Phạm vi áp dụng Đối xử tối huệ quốc theo pháp luật Việt Nam

07/10/2022 12:02 PM

Đối xử tối huệ quốc bao gồm những lĩnh vực nào? Phạm vi áp dụng Đối xử tối huệ quốc được quy định ra sao? - Bảo Khang (Đà Nẵng)

Đối xử tối huệ quốc là gì? Phạm vi áp dụng Đối xử tối huệ quốc theo pháp luật Việt Nam

Đối xử tối huệ quốc là gì? Phạm vi áp dụng Đối xử tối huệ quốc theo pháp luật Việt Nam

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đối xử tối huệ quốc là gì?

Theo Điều 3 Pháp lệnh 41/2002/PL-UBTVQH10, Đối xử tối huệ quốc bao gồm:

- Đối xử tối huệ quốc trong thương mại hàng hoá là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ một nước so với hàng hóa tương tự nhập khẩu có xuất xứ từ nước thứ ba hoặc hàng hoá xuất khẩu đến một nước so với hàng hóa tương tự xuất khẩu đến nước thứ ba.

- Đối xử tối huệ quốc trong thương mại dịch vụ là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của một nước so với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tương tự của nước thứ ba.

- Đối xử tối huệ quốc trong đầu tư là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho đầu tư và nhà đầu tư của một nước so với đầu tư và nhà đầu tư của nước thứ ba trong những điều kiện tương tự.

- Đối xử tối huệ quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho việc xác lập, bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ và mọi lợi ích có được từ các quyền đó của tổ chức, cá nhân của một nước so với tổ chức, cá nhân của nước thứ ba.

(Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 3 Pháp lệnh 41/2002/PL-UBTVQH10)

2. Các trường hợp áp dụng Đối xử tối huệ quốc

Nhà nước Việt Nam áp dụng một phần hay toàn bộ Đối xử tối huệ quốc trong các trường hợp theo quy định tại Điều 6 Pháp lệnh 41/2002/PL-UBTVQH10, cụ thể như sau:

- Pháp luật Việt Nam có quy định về áp dụng Đối xử tối huệ quốc;

- Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định áp dụng Đối xử tối huệ quốc;

- Quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thực tế đã áp dụng Đối xử tối huệ quốc đối với Việt Nam;

- Các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.

3. Phạm vi áp dụng Đối xử tối huệ quốc

3.1. Phạm vi áp dụng Đối xử tối huệ quốc trong thương mại hàng hoá

Đối xử tối huệ quốc trong thương mại hàng hóa được áp dụng đối với:

- Thuế, các loại phí và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu hoặc liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

- Phương thức thanh toán và việc chuyển tiền thanh toán cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

- Những quy định và thủ tục liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá;

- Thuế và các loại phí thu trực tiếp hoặc gián tiếp trong nước đối với hàng hoá nhập khẩu;

- Hạn chế định lượng và cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá;

- Các quy định khác của pháp luật có ảnh hưởng đến việc bán, chào bán, mua, vận tải, phân phối, lưu kho và sử dụng hàng hoá tại thị trường trong nước.

(Điều 7 Pháp lệnh 41/2002/PL-UBTVQH10)

Tuy nhiên, Đối xử tối huệ quốc trong thương mại hàng hóa sẽ không được áp dụng đối với các đối tượng được quy định tại Điều 8 Pháp lệnh 41/2002/PL-UBTVQH10, cụ thể như sau:

- Các ưu đãi dành cho các thành viên của thoả thuận về liên kết kinh tế mà Việt nam ký kết hoặc gia nhập;

- Các ưu đãi dành cho nước có chung biên giới với Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho việc giao lưu hàng hoá biên giới trên cơ sở hiệp định song phương;

- Các ưu đãi dành cho các nước đang phát triển và các nước kém phát triển;

- Các ưu đãi theo các hiệp định quá cảnh hàng hóa mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập;

- Đấu thầu mua sắm hàng hoá đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế hoặc của nước ngoài và các dự án khác theo quy định của Chính phủ.

3.2. Phạm vi áp dụng Đối xử tối huệ quốc trong thương mại dịch vụ

Theo Điều 9 Pháp lệnh 41/2002/PL-UBTVQH10, Đối xử tối huệ quốc trong thương mại dịch vụ được áp dụng đối với các biện pháp điều chỉnh hoạt động thương mại dịch vụ có sự tham gia của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong đó, các trường hợp ngoại lệ không áp dụng Đối xử tối huệ quốc trong thương mại dịch vụ bao gồm:

- Các ngoại lệ về đối xử tối huệ quốc đối với các ngành dịch vụ được quy định trong hiệp định song phương hoặc đa phương mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập;

- Các ưu đãi dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của nước có chung biên giới nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ giữa Việt Nam với nước này;

- Các ưu đãi dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được quy định trong các hiệp định kinh tế khu vực, hiệp định về khu vực thương mại tự do và các thoả thuận tương tự khác mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập;

- Đấu thầu cung cấp dịch vụ đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế hoặc của nước ngoài và các dự án khác theo quy định của Chính phủ;

- Các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.

(Điều 10 Pháp lệnh 41/2002/PL-UBTVQH10)

3.3. Phạm vi áp dụng Đối xử tối huệ quốc trong đầu tư

Cụ thể tại Điều 11 Pháp lệnh 41/2002/PL-UBTVQH10, Đối xử tối huệ quốc trong hoạt động đầu tư nước ngoài được áp dụng đối với đầu tư và nhà đầu tư của một nước trong việc thành lập, bán, mua lại, mở rộng, quản lý, điều hành, vận hành cơ sở sản xuất, kinh doanh và các khoản đầu tư hoặc định đoạt bằng các hình thức khác.

Việc áp dụng các ngoại lệ về Đối xử tối huệ quốc cho đầu tư và nhà đầu tư của một nước phù hợp với pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. (Theo Điều 12 Pháp lệnh 41/2002/PL-UBTVQH10)

3.4. Phạm vi áp dụng Đối xử tối huệ quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ

Đối xử tối huệ quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ được áp dụng cho mọi loại quyền sở hữu trí tuệ được Nhà nước Việt Nam bảo hộ theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập gồm:

- Quyền tác giả và quyền liên quan;

- Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý bao gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hoá, tên thương mại, bí mật kinh doanh, thiết kế bố trí mạch tích hợp, giống cây trồng;

- Quyền chống cạnh tranh không đúng pháp luật liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp và các quyền sở hữu trí tuệ khác.

(Điều 13 Pháp lệnh 41/2002/PL-UBTVQH10)

Trong đó, các trường hợp ngoại lệ không áp dụng Đối xử tối huệ quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 14 Pháp lệnh 41/2002/PL-UBTVQH10, bao gồm:

- Các ngoại lệ về Đối xử tối huệ quốc được quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập;

- Các quy định pháp luật hoặc các biện pháp thực tế cần thiết để bảo đảm thực thi pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có các yêu cầu về đại diện và địa chỉ giao dịch tại Việt Nam của các chủ thể nước ngoài liên quan đến thủ tục hành chính và thủ tục xét xử.

Chia sẻ bài viết lên facebook 30,446

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079