Tổng hợp các loại biển báo phụ và ý nghĩa của từng biển báo

26/10/2022 16:32 PM

Tôi muốn nhận biết nhận dạng của các loại biển báo phụ và ý nghĩa của từng biển báo đó quy định như thế nào? - Lê Hảo (Bình Phước)

Tổng hợp các loại biển báo phụ và ý nghĩa của từng biển báo

Tổng hợp các loại biển báo phụ và ý nghĩa của từng biển báo

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đặc điểm của biển báo phụ

Biển báo phụ (hay biển phụ) thường được đặt kết hợp với các biển báo chính nhằm thuyết minh, bổ sung để hiểu rõ, trừ biển số S.507 "Hướng rẽ" được sử dụng độc lập đặt ở phía lưng đường cong đối diện với hướng đi hoặc đặt ở giữa đảo an toàn nơi đường giao nhau.

Cụ thể, biển báo phụ có hình dạng là hình chữ nhật hoặc hình vuông, có nền là màu trắng, hình vẽ và chữ viết màu đen hoặc có nền là màu xanh lam, chữ viết màu trắng.

Đối với biển số S.507 và S.508 (a,b) có đặc điểm riêng chỉ dẫn ở Phụ lục F theo QCVN 41:2019/BGTVT.

2. Tổng hợp các loại biển báo phụ và ý nghĩa từng biển báo

- Biển số S.501. "Phạm vi tác dụng của biển”: Để thông báo chiều dài đoạn đường nguy hiểm hoặc cấm hoặc hiệu lệnh hoặc hạn chế bên dưới một số biển báo chính) Chiều dài đoạn nguy hiểm hoặc cấm hoặc hạn chế ghi theo đơn vị mét (m) và lấy chẵn đến hàng chục mét.

- Biển số S.502 "Khoảng cách đến đối tượng báo hiệu"

+ Bên dưới các loại biển báo nguy hiểm, biển báo cấm, biển hiệu lệnh và chỉ dẫn, trong trường hợp vị trí đặt các biển báo đó khác với quy định chung, đặt biển số S.502 "Khoảng cách đến đối tượng báo hiệu" để thông báo khoảng cách thực tế từ vị trí đặt biển đến đối tượng báo hiệu ở phía trước.

+ Con số trên biển ghi theo đơn vị mét (m) và lấy chẵn đến hàng chục mét.

- Biển số S.503 (a,b,c,d,e,f) "Hướng tác dụng của biển"

+ Các biển số S.503 (a,b,c) đặt bên dưới các biển báo cấm, biển hiệu lệnh để chỉ hướng tác dụng của biển là hướng vuông góc với chiều đi.

Trong đó, biển số S.503b để chỉ đồng thời hai hướng tác dụng (trái và phải).

+ Các biển số S.503 (d,e,f) đặt bên dưới biển số P.124 (a,b,c,d,e,f), biển số P.130 "Cấm dừng xe và đỗ xe", biển số P.131 (a,b,c) "Cấm đỗ xe" để chỉ hướng tác dụng của biển là hướng song song với chiều đi.

Trong đó, biển số S.503e để chỉ đồng thời hai hướng tác dụng (trước và sau) nơi đặt biển báo nhắc lại lệnh cấm dừng và cấm đỗ xe.

+ Đối với các tuyến đường đối ngoại và các tuyến đường có nhiều người đi lại có thể sử dụng biển phụ S.H,3a; S.H,3b; S.H,3c (Biển H,3 (a,b,c) theo GMS).

- Biển số S.504 "Làn đường": Biển số S.504 được đặt bên trên làn đường và dưới các biển báo cấm và biển hiệu lệnh hay bên dưới đèn tín hiệu để chỉ làn đường chịu hiệu lực của biển báo hay đèn tín hiệu (khi kết hợp trên cùng một mặt biển, chỉ cần vẽ mũi tên chỉ làn đường).

- Biển số S.505a "Loại xe": Biển số S.505a được đặt bên dưới các biển báo cấm và biển hiệu lệnh hay biển chỉ dẫn để chỉ loại xe chịu hiệu lực của biển báo cấm, biển hiệu lệnh hay biển chỉ dẫn. Tùy theo loại xe chịu hiệu lực mà bố trí hình vẽ cho phù hợp.

- Biển số S.505b "Loại xe hạn chế qua cầu": được đặt bên dưới biển báo số P.106a “Cấm xe ô tô tải” để chỉ các loại xe tải chịu hiệu lực của biển báo và trọng tải toàn bộ xe cho phép (bao gồm trọng tải bản thân xe và khối lượng chuyên chở cho phép) tương ứng với mỗi loại xe không phụ thuộc vào số lượng trục.

Biển S.505b được lắp đặt cho từng cầu. Biển đặt bên phải theo chiều đi cách hai đầu cầu từ 10 đến 20m ở vị trí dễ quan sát.

Trường hợp cầu hư hỏng đột xuất, cầu có tải trọng khai thác thấp, ngoài việc đặt biển báo hiệu S.505b còn phải đặt bổ sung các bảng thông tin hướng dẫn ở hai đầu đoạn tuyến để thông báo cho người tham gia giao thông về vị trí tải trọng của cầu có tải trọng khai thác thấp nhất nằm trong đoạn tuyến.

- Biển số S.505c "Tải trọng trục hạn chế qua cầu"

+ Biển số S.505c được đặt bên dưới biển báo số P.106a “Cấm ôtô xe tải” để chỉ các loại xe tải có tải trọng trục lớn nhất cho phép tương ứng với mỗi loại trục (trục đơn, trục kép, trục ba).

+ Biển S.505c được đặt cùng với biển số S.505b bên dưới biển số P.106 và các xe qua cầu phải thỏa mãn điều kiện của cả hai biển (biển số S.505b và S.505c).

- Biển số S.506 (a,b) "Hướng đường ưu tiên"

+ Biển số S.506a được đặt bên dưới biển chỉ dẫn số I.401 trên đường ưu tiên để chỉ dẫn cho người tham gia giao thông trên đường này biết hướng đường ưu tiên ở ngã tư.

+ Biển số S.506b được đặt bên dưới biển số W.208 và biển số R.122 trên đường không ưu tiên để chỉ dẫn cho người tham gia giao thông trên đường này biết hướng đường ưu tiên ở ngã tư.

- Biển số S.507 "Hướng rẽ"

+ Biển số S.507 được sử dụng độc lập để báo trước cho người tham gia giao thông biết chỗ rẽ nguy hiểm và để chỉ hướng rẽ.

+ Biển được đặt trong trường hợp người tham gia giao thông khó nhận biết hướng rẽ của đường. Biển có thể đặt đồng thời hai biển ngược chiều nhau để chỉ hướng rẽ trái và rẽ phải, với độ cao đặt biển từ 1,2 m đến 1,5 m.

Trường hợp cần dẫn hướng trong đường cong có thể sử dụng tiêu phản quang.

+ Biển không thay thế cho việc đặt các biển báo nguy hiểm số W.201 (a,b) và W.202 (a,b,c).

- Biển số S.508. "Biểu thị thời gian": Được đặt dưới biển báo cấm hoặc biển hiệu lệnh nhằm quy định phạm vi thời gian hiệu lực của các biển báo cấm, biển hiệu lệnh cho phù hợp yêu cầu.

Thời gian hiệu lực có thể là khoảng thời gian trong ngày (từ giờ... đến giờ ...) hoặc ngày chẵn, lẻ hoặc thứ trong tuần hoặc một khoảng thời gian nhất định (chẳng hạn, “> 5 phút”, ...) và cần thiết có thể bổ sung thêm tiếng Anh.

- Biển số S.509 "Thuyết minh biển chính"

+ Để bổ sung cho biển số W.239 "Đường cáp điện ở phía trên", có thể đặt biển số S.509a "Chiều cao an toàn" bên dưới biển số W.239, biển này chỉ rõ chiều cao cho các phương tiện đi qua an toàn.

+ Trong trường hợp cần thiết, có thể đặt thêm biển số S.509b "Cấm đỗ xe" bên dưới biển số P.130, P.131 (a,b,c) để làm rõ thông tin.

+ Các trường hợp khác có thể vận dụng cho phù hợp.

- Biển số S.510a “Chú ý đường trơn có băng tuyết”: Để cảnh báo đường trơn, có tuyết trong những ngày trời có tuyết, đặt biển phụ số S.510a “Chú ý đường trơn có băng tuyết”. Biển hình chữ nhật nền đỏ, chữ và viền màu trắng.

- Biển chỉ dẫn tới địa điểm cắm trại, tới nhà trọ (biển G,7; G,8 theo GMS): Để chỉ dẫn tới địa điểm cắm trại hoặc nhà trọ, đặt biển số S.G,7 "Địa điểm cắm trại" hoặc S.G,8 “Địa điểm nhà trọ”.

- Chỉ dẫn tới điểm đỗ xe dành cho lái xe muốn sử dụng phương tiện công cộng (biển G,9b theo GMS): Để chỉ dẫn tới địa điểm đỗ xe dành cho xe có lái xe muốn sử dụng phương tiện công cộng, đặt biển số S.G,9b.

- Biển chỉ dẫn số lượng làn và hướng đi cho từng làn (biển S.G,11a; G,11c theo hiệp định GMS): Để thông báo cho lái xe số làn và hướng đi của từng làn xe, đặt biển số S.G,11a; S.G,11c; các biển này phải có số mũi tên bằng số lượng làn xe đi cùng hướng và phải chỉ dẫn số lượng làn xe của hướng đi sắp tới.

- Biển chỉ dẫn làn đường không lưu thông (biển G,12a; G,12b theo hiệp định GMS): Để chỉ dẫn cho lái xe biết làn đường không lưu thông, đặt biển S.G,12a; S.G,12b.

- Biển báo phụ “Ngoại lệ” (biển H,6 theo hiệp định GMS): Để chỉ các trường hợp mà biển cấm hoặc hạn chế được coi là không áp dụng đặc biệt cho một nhóm đối tượng tham gia giao thông nào đó, đặt biển S.H,6 và thể hiện nhóm đối tượng đó cùng với cụm từ “Except - Ngoại lệ”.

Căn cứ pháp lý: QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ.

>>> Xem thêm:

Tổng hợp các loại biển báo hiệu lệnh và ý nghĩa của từng biển báo

Dấu hiệu nhận biết biển báo cấm đi ngược chiều? Xe không tuân thủ biển báo cấm đi ngược chiều bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Thanh Rin

Chia sẻ bài viết lên facebook 42,606

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079