Tiếp công dân là gì? 04 trường hợp được quyền từ chối tiếp công dân

11/11/2022 12:05 PM

Tiếp công dân là gì? Theo quy định pháp luật hiện nay, những trường hợp nào cơ quan, tổ chức được từ chối tiếp công dân? - Thúy Diễm (Bình Phước)

Tiếp công dân là gì? 04 trường hợp được quyền từ chối tiếp công dân

Tiếp công dân là gì? 04 trường hợp được quyền từ chối tiếp công dân (Hình từ Internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tiếp công dân là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Tiếp công dân 2013, tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 Luật Tiếp công dân 2013 đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp công dân bao gồm tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tiếp công dân được quy định tại Điều 4 Luật Tiếp công dân 2013, cụ thể:

- Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân bao gồm:

+ Chính phủ;

+ Bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tổ chức tương đương; cục;

+ Ủy ban nhân dân các cấp;

+ Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

+ Các cơ quan của Quốc hội;

+ Hội đồng nhân dân các cấp;

+ Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước.

- Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức việc tiếp công dân phù hợp với yêu cầu, quy mô, tính chất hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Căn cứ vào quy định của Luật Tiếp công dân 2013, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội quy định về việc tiếp công dân trong cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống mình; Chính phủ quy định cụ thể việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập.

 

2. Những trường hợp được từ chối tiếp công dân

Điều 9 Luật Tiếp công dân 2013 quy định, người tiếp công dân được từ chối tiếp người đến nơi tiếp công dân trong các trường hợp sau đây:

(1) Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

(2) Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân;

(3) Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài;

(4) Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Theo Điều 4 Thông tư 04/2021/TT-TTCP, việc từ chối tiếp công dân cần lưu ý một số nội dung sau:

Người tiếp công dân từ chối tiếp công dân trong các trường hợp quy định tại điểm (1) và (2) nêu trên phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo người phụ trách tiếp công dân.

Trường hợp từ chối tiếp công dân theo quy định tại điểm (3) thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp công dân ra Thông báo từ chối tiếp công dân. Thông báo được thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 04/2021/TT-TTCP.

Mẫu Thông báo về việc từ chối tiếp công dân

3. Các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện tiếp công dân

Điều 6 Luật Tiếp công dân 2013 quy định 08 hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện tiếp công dân như sau:

- Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

- Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp.

- Phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.

- Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng.

- Xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

- Đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ.

- Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân.

- Vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân.

> > > Xem thêm: Việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải theo dõi, quản lý như thế nào theo quy định?

Lịch tiếp công dân tại trụ sở cơ quan Bộ Tài chính? Bộ Tài chính được từ chối tiếp công dân trong các trường hợp nào?

Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao tiếp công dân đột xuất thì cơ quan nào có trách nhiệm bố trí nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan?

 

Như Mai

Chia sẻ bài viết lên facebook 19,409

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079