Quy trình thực hiện tiêm thuốc thi hành án tử hình
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 43/2020/NĐ-CP, thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm:
- Thuốc làm mất tri giác;
- Thuốc làm liệt hệ vận động;
- Thuốc làm ngừng hoạt động của tim.
Trong đó, một liều thuốc gồm 03 loại thuốc trên và dùng cho 01 người và thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ quốc phòng.
Bảo quản thuốc theo điều kiện ghi trên nhãn liều thuốc, hướng dẫn của đơn vị cung cấp. Việc bàn giao thuốc phải được lập biên bản giao, nhận; niêm phong, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.
(Khoản 2, 3 và 4 Điều 4 Nghị định 43/2020/NĐ-CP)
Quy trình thực hiện tiêm thuốc thi hành án tử hình được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định 43/2020/NĐ-CP
* Trước khi tiêm thuốc:
- Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình phải được Hội đồng thi hành án tử hình kiểm tra, mở niêm phong và lập biên bản theo quy định
- Người bị thi hành án tử hình được cố định vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không làm cản trở sự lưu thông máu.
* Quy trình tiêm thuốc
Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm thực hiện các bước sau:
(1) Chuẩn bị đủ 03 liều thuốc (trong đó có 02 liều dự phòng);
(2) Xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm; trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch;
(3) Đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo quy trình:
+ Bước 1: Tiêm thuốc làm mất tri giác.
Sau khi tiêm thuốc xong, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình phải tiến hành kiểm tra, nếu người bị thi hành án tử hình chưa mất tri giác thì tiếp tục tiêm thuốc cho đến khi họ mất tri giác.
+ Bước 2: Tiêm thuốc làm liệt hệ vận động.
+ Bước 3: Tiêm thuốc làm ngừng hoạt động của tim.
(4) Kiểm tra hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình qua máy điện tâm đồ. Trường hợp sau mười phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng;
Mỗi lần tiêm thuốc sau mười phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để ra lệnh tiếp tục sử dụng liều thuốc dự phòng tiêm lần thứ hai, thứ ba;
Trường hợp tiêm hết liều thuốc thứ ba sau mười phút mà người bị thi hành án chưa chết thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình ra quyết định tạm dừng thi hành án.
Trong đó, việc thực hiện các bước theo quy định tại (2), (3), (4) có thể được tiến hành theo phương pháp tự động hoặc trực tiếp.
* Sau khi tiêm thuốc xong
- Theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, bác sĩ pháp y tiến hành kiểm tra, xác định tình trạng của người bị thi hành án tử hình và báo cáo kết quả cho Hội đồng.
- Sau khi bác sĩ pháp y kết luận người bị thi hành án tử hình đã chết, theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, cán bộ thi hành án tử hình ngừng truyền và đưa kim tiêm, đường ống dẫn ra khỏi người bị thi hành án tử hình.
- Hội đồng thi hành án tử hình lập biên bản theo quy định về việc người bị thi hành án đã chết.
-Việc giải quyết các thủ tục sau khi người bị thi hành án đã chết thực hiện theo quy định tại các điểm e, g và h khoản 4 Điều 82 và Điều 83 Luật Thi hành án hình sự 2019.
Theo khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Trong đó:
- Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
- Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
+ Người đủ 75 tuổi trở lên;
+ Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.