Giới nghiêm là gì? Thẩm quyền ban bố lệnh giới nghiêm

14/11/2022 09:03 AM

Xin cho tôi hỏi giới nghiêm là gì? Thẩm quyền ban bố lệnh giới nghiêm được quy định như thế nào? - Tiểu Vy (Đồng Nai)

Giới nghiêm là gì? Thẩm quyền ban bố lệnh giới nghiêm

Giới nghiêm là gì? Thẩm quyền ban bố lệnh giới nghiêm

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Khái niệm về giới nghiêm, lệnh giới nghiêm, giờ giới nghiêm

1.1. Giới nghiêm là gì?

Theo khoản 1 Điều 22 Luật Quốc phòng 2018, giới nghiêm là biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và hoạt động vào những giờ nhất định tại những khu vực nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của người có thẩm quyền tổ chức thực hiện lệnh giới nghiêm.

1.2. Lệnh giới nghiêm là gì?

Lệnh giới nghiêm là mệnh lệnh được ban bố trong trường hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một hoặc một số địa phương diễn biến phức tạp đe dọa gây mất ổn định nghiêm trọng và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. (Theo khoản 2 Điều 22 Luật Quốc phòng 2018)

1.3. Giờ giới nghiêm là gì?

Tuy không có quy định cụ thể về khái niệm giờ giới nghiêm, nhưng dựa vào tính chất của giới nghiêm, có thể hiểu giờ giới nghiêm là khoảng thời gian cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và hoạt động vào những giờ nhất định tại những khu vực nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật.

2. Thẩm quyền ban bố lệnh giới nghiêm

Thẩm quyền ban bố lệnh giới nghiêm được quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Quốc phòng 2018, cụ thể như sau:

- Thủ tướng Chính phủ ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp tỉnh;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp huyện;

- Ủy ban nhân dân cấp huyện ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp xã;

- Ủy ban nhân dân đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số khu vực trên địa bàn.

3. Các nội dung trong lệnh giới nghiêm

Lệnh giới nghiêm phải đảm bảo xác định nội dung sau đây:

- Khu vực giới nghiêm;

- Đơn vị đảm nhiệm và nhiệm vụ thi hành lệnh giới nghiêm;

- Thời hạn bắt đầu và kết thúc hiệu lực, nhiều nhất không được quá 24 giờ; khi hết liệu lực, nếu cần thiết phải tiếp tục giới nghiêm thì phải ban bố lệnh mới;

- Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khu vực giới nghiêm;

- Quy tắc trật tự xã hội cần thiết ở khu vực giới nghiêm.

(Theo khoản 4 Điều 22 Luật Quốc phòng 2018)

4. Các biện pháp được áp dụng trong giờ giới nghiêm

Theo khoản 5 Điều 22 Luật Quốc phòng 2018, các biện pháp được áp dụng trong giờ giới nghiêm bao gồm:

- Cấm tụ tập đông người;

- Cấm người, phương tiện đi lại, hoạt động trong những giờ nhất định, tại những khu vực nhất định;

- Đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động tại một số nơi công cộng trong những thời điểm nhất định;

- Đặt trạm canh gác và kiểm soát địa bàn, kiểm tra vật phẩm, hành lý, phương tiện, giấy tờ của người đi lại qua trạm canh gác và kiểm soát;

- Kịp thời bắt giữ và xử lý người, phương tiện vi phạm lệnh giới nghiêm và vi phạm quy định khác của pháp luật.

5. Điều kiện sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân trong giới nghiêm

Các trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân được quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Quốc phòng 2018, cụ thể như sau:

- Trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thực hiện theo lệnh của Chủ tịch nước và quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Trong thi hành lệnh thiết quân luật, giới nghiêm thực hiện theo quy định Luật Quốc phòng 2018 và quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Trong tình trạng khẩn cấp do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp và quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia và quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Khi tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới thực hiện theo quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh;

- Khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm; tham gia phòng, chống, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh, việc sử dụng lực lượng vũ trang do Chính phủ quy định.

Do đó, theo quy định Luật Quốc phòng 2018, lực lượng vũ trang nhân dân sẽ được triển khai sử dụng để đảm bảo việc thực thi lệnh giới nghiêm.

Chia sẻ bài viết lên facebook 19,429

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079