Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ mới nhất

12/11/2022 14:03 PM

Cho tôi hỏi nhãn hiệu là gì? Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu được quy định như thế nào trong Luật Sở hữu trí tuệ mới nhất? - Minh Tuấn (Vũng Tàu)

Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ mới nhất

Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ mới nhất

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nhãn hiệu là gì? 

Theo khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009, 2019), nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Cụ thể có các loại nhãn hiệu sau đây:

- Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

- Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

- Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.

- Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

(Khoản 17, 18, 19, 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 20092019))

Tuy nhiên khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, thì nhãn hiệu liên kết sẽ bị bãi bỏ và nhãn hiệu nổi tiếng sẽ sửa đổi lại định nghĩa như sau: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.”

2. Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 20092019) sau đây:

(i) Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;

(ii) Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 sửa đổi điều kiện (i) thành: Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa

3. Các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu

Cụ thể tại Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 20092019), các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:

(i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;

(ii) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;

(iii) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;

(iv) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;

(v) Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.

So với Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 sẽ có sự sửa đổi, bổ sung sau đây:

- Sửa đổi dấu hiệu (i) thành: Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca.

- Bổ sung thêm hai dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:

+ Dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có;

+ Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.

Chia sẻ bài viết lên facebook 54,177

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079