Giới hạn cho vay của quỹ tín dụng nhân dân
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 6 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Giới hạn cho vay của quỹ tín dụng nhân dân theo Điều 8 Thông tư 32/2015/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 21/2019/TT-NHNN) như sau:
(1) Quỹ tín dụng nhân dân không được cho vay không có bảo đảm, cho vay với điều kiện ưu đãi (ưu đãi về lãi suất, hồ sơ, trình tự, thủ tục xét duyệt cho vay, biện pháp bảo đảm nghĩa vụ nợ và các biện pháp xử lý thu hồi nợ so với quy định của pháp luật và các quy định tại quy định nội bộ về hoạt động cho vay, quản lý tiền vay) cho những đối tượng sau đây:
- Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán trưởng của quỹ tín dụng nhân dân;
- Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán và thanh tra viên đang thanh tra tại quỹ tín dụng nhân dân;
- Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại điểm a khoản này sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó;
- Người thẩm định, xét duyệt cho vay của quỹ tín dụng nhân dân.
(2) Đối với các khoản cho vay các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, quỹ tín dụng nhân dân phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- Tổng mức dư nợ cho vay không được vượt quá 5% vốn tự có của quỹ tín dụng nhân dân;
- Việc cho vay phải được Hội đồng quản trị thông qua và phải công khai trong quỹ tín dụng nhân dân;
- Báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố khi có phát sinh khoản cho vay;
- Báo cáo Đại hội thành viên đối với khoản cho vay phát sinh đến thời điểm lấy số liệu để họp Đại hội thành viên.
(3) Tổng mức dư nợ cho vay đối với một thành viên là pháp nhân không được vượt quá tổng số vốn góp và số dư tiền gửi của pháp nhân đó tại quỹ tín dụng nhân dân tại mọi thời điểm. Thời hạn cho vay đối với thành viên là pháp nhân không được vượt quá thời hạn còn lại của số tiền gửi và khoản vay phải được đảm bảo bằng chính số tiền gửi tại quỹ tín dụng nhân dân của pháp nhân.
Tổng mức dư nợ cho vay đối với khách hàng là pháp nhân, cá nhân không phải là thành viên không được vượt quá số dư của hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm và thời hạn cho vay không được vượt quá thời hạn còn lại của hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm.
(4) Tổng mức dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của quỹ tín dụng nhân dân.
(5) Tổng mức dư nợ cho vay đối với khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của quỹ tín dụng nhân dân, trong đó mức cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá tỷ lệ quy định tại (4) mục này.
(6) Các giới hạn quy định tại (2), (4) và (5) mục này không áp dụng đối với:
- Các khoản cho vay theo ủy thác của Chính phủ, tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân;
- Các khoản cho vay có bảo đảm toàn bộ bằng tiền gửi tại chính quỹ tín dụng nhân dân.
(7) Vốn tự có quy định tại điểm a khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 8 Thông tư 32/2015/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 21/2019/TT-NHNN) được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 32/2015/TT-NHNN.