Các trường hợp miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng của luật sư
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 4 Thông tư 02/2019/TT-BTP, các tổ chức thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của Luật sư bao gồm:
- Liên đoàn luật sư Việt Nam (Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư Việt Nam, Câu lạc bộ luật sư thương mại quốc tế Việt Nam thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam).
- Đoàn luật sư.
- Cơ sở đào tạo nghề luật sư.
Cụ thể tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 02/2019/TT-BTP, những người sau đây được miễn nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng trong năm:
- Luật sư đang làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Nữ luật sư có con dưới 12 tháng tuổi được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng trong năm;
- Luật sư vì lý do bệnh tật có đơn đề nghị và được Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xác nhận;
- Luật sư từ đủ 70 tuổi trở lên và có trên 20 năm hành nghề luật sư;
- Luật sư phải điều trị dài ngày tại cơ sở khám chữa bệnh và thuộc danh mục bệnh chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế từ 03 tháng trở lên có Giấy chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Luật sư được tính quy đổi thời gian tham gia bồi dưỡng trong năm đó khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 02/2019/TT-BTP, cụ thể như sau:
- Viết bài nghiên cứu pháp luật được đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật trong nước hoặc nước ngoài; viết sách, giáo trình được xuất bản về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư hoặc kỹ năng hành nghề luật sư;
- Tham gia giảng dạy về pháp luật, kỹ năng hành nghề luật sư, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư tại các cơ sở đào tạo cử nhân luật, cơ sở đào tạo nghề luật sư; tham gia giảng dạy các khóa bồi dưỡng hoặc trao đổi kinh nghiệm hành nghề luật sư theo quy định của Thông tư này;
- Tham gia và hoàn thành chương trình đào tạo chức danh tư pháp;
- Tham gia và hoàn thành khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về luật sư và hành nghề luật sư ở nước ngoài;
- Tham gia các chương trình tập huấn, hội thảo, tọa đàm từ 01 ngày trở lên về các nội dung theo quy định tại mục 4 do Sở Tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp tổ chức.
Tùy thuộc vào yêu cầu bồi dưỡng bắt buộc hàng năm, nội dung bồi dưỡng bao gồm một hoặc một số nội dung sau đây:
- Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư;
-Cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật;
- Kỹ năng hành nghề luật sư và kỹ năng hỗ trợ cho hoạt động hành nghề luật sư;
- Kỹ năng quản trị tổ chức hành nghề luật sư.
Việc bồi dưỡng được tổ chức dưới hình thức khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư hoặc trao đổi kinh nghiệm hành nghề luật sư.
(Điều 3 Thông tư 02/2019/TT-BTP)
Theo Điều 12 Thông tư 02/2019/TT-BTP, trách nhiệm của cơ sở đào tạo nghề luật sư trong việc thực hiện bồi dưỡng của Luật sư như sau:
- Hàng năm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, báo cáo Bộ Tư pháp và tổ chức thực hiện bồi dưỡng đúng kế hoạch, cấp Giấy chứng nhận tham gia bồi dưỡng theo mẫu quy định Thông tư 02/2019/TT-BTP; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng do mình thực hiện; thu, quản lý và sử dụng chi phí thực hiện bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.
- Đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo nghề luật sư kế hoạch bồi dưỡng hàng năm của cơ sở đào tạo nghề luật sư trước ngày 15/01, việc bồi dưỡng và chương trình bồi dưỡng của cơ sở đào tạo nghề luật sư chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày thực hiện bồi dưỡng.
Trong trường hợp có sửa đổi, bổ sung kế hoạch bồi dưỡng thì cơ sở đào tạo nghề luật sư báo cáo Bộ Tư pháp và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo nghề luật sư về nội dung sửa đổi, bổ sung chậm nhất là 30 ngày trước ngày thực hiện bồi dưỡng.
- Gửi Bộ Tư pháp báo cáo kết quả thực hiện bồi dưỡng, danh sách luật sư tham gia bồi dưỡng trong năm và kế hoạch bồi dưỡng của năm tiếp theo trước ngày 31/12 hàng năm.