05 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

01/02/2023 08:01 AM

Tôi muốn hỏi kinh doanh bảo hiểm là gì? Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nghiêm cấm thực hiện các hành vi nào? - Ngọc Linh (Hậu Giang)

05 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

05 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Kinh doanh bảo hiểm là gì?

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

Cụ thể tại Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm bao gồm:

(1) Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động.

(2) Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép.

(3) Hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

(4) Thực hiện các hành vi gian lận bao gồm:

- Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

- Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

- Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

- Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

(5) Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm.

3. Các hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo pháp luật Việt Nam

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, các hoạt động kinh doanh bảo hiểm bảo gồm:

- Kinh doanh bảo hiểm (Nội dung định nghĩa theo mục 1)

- Kinh doanh tái bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam nhận một khoản phí tái bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khác, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm nước ngoài để cam kết bồi thường cho các trách nhiệm đã nhận bảo hiểm.

- Nhượng tái bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam chuyển giao một phần trách nhiệm đã nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khác, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm nước ngoài trên cơ sở thanh toán phí nhượng tái bảo hiểm.

- Các hoạt động có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm:

+ Hoạt động đại lý bảo hiểm là một hoặc một số hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, bao gồm:

(i) Tư vấn sản phẩm bảo hiểm;

(ii) Giới thiệu sản phẩm bảo hiểm;

(iii) Chào bán sản phẩm bảo hiểm;

(iv) Thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm;

(v) Thu phí bảo hiểm;

(vi) Thu thập hồ sơ để phục vụ việc giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

+ Hoạt động môi giới bảo hiểm là hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn cho bên mua bảo hiểm về loại hình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, chương trình bảo hiểm, điều kiện, điều khoản, phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam; các hoạt động liên quan đến việc đàm phán, thu xếp giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm.

+ Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm tư vấn, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không bao gồm việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô tự thực hiện để triển khai hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm của chính tổ chức đó.

(Khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022)

Chia sẻ bài viết lên facebook 20,737

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079