Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân xuất hiện khi nào?

17/02/2023 14:00 PM

Tôi muốn hỏi năng lực pháp luật dân sự của cá nhân xuất hiện khi nào? Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có những nội dung gì? - Thu Hương (Vĩnh Long)

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân xuất hiện khi nào?

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân xuất hiện khi nào?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân xuất hiện khi nào?

Theo Điều 16 Bộ luật Dân sự 2015, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.

Trong đó, mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau và có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.

Do đó, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân xuất hiện khi cá nhân đó sinh ra và chấm dứt khi mất đi.

2. Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân

Cụ thể tại Điều 17 Bộ luật Dân sự 2015, nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân bao gồm:

- Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản.

Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

(Khoản 1 Điều 25 Bộ luật Dân sự 2015)

- Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản.

+ Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

+ Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác, bao gồm:

(i) Quyền đối với bất động sản liền kề;

(ii) Quyền hưởng dụng;

(iii) Quyền bề mặt.

(Điều 158 và Điều 159 Bộ luật Dân sự 2015)

- Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó.

3. Căn cứ xác lập quyền dân sự trong năng lực pháp luật dân sự của cá nhân

Quyền dân sự  trong năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được xác lập từ các căn cứ theo quy định tại Điều 8 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:

- Hợp đồng.

- Hành vi pháp lý đơn phương.

- Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của luật.

- Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

- Chiếm hữu tài sản.

- Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

- Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật.

- Thực hiện công việc không có ủy quyền.

- Căn cứ khác do pháp luật quy định.

4. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự

Theo Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự bao gồm:

- Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

- Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận.

Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

- Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

- Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

- Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Chia sẻ bài viết lên facebook 36,979

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079