Con không nuôi dưỡng, ngược đãi cha mẹ có được hưởng thừa kế không?

17/02/2023 14:29 PM

Con cái không phụng dưỡng cha mẹ hoặc có hành vi ngược đãi cha mẹ thì có được hưởng thừa kế không? - Ngọc Loan (Quảng Nam)

Con không nuôi dưỡng, ngược đãi cha mẹ có được hưởng thừa kế không?

Con không nuôi dưỡng, ngược đãi cha mẹ có được hưởng thừa kế không? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Con không nuôi dưỡng, ngược đãi cha mẹ có được hưởng thừa kế không?

Theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những đối tượng không được quyền hưởng di sản bao gồm:

- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Lưu ý: Những người quy định nêu trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Đồng thời khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Như vậy, con cái có thể không được hưởng di sản trong những trường hợp sau:

(1) Có vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ;

(2) Có hành vi ngược đãi, đánh đập cha mẹ và bị kết án.

Trong trường hợp cha mẹ biết nhưng vẫn để lại di sản cho con thì con vẫn được hưởng thừa kế.

2. Thời hiệu thừa kế

Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời hiệu thừa kế như sau:

- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

+ Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015;

+ Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định nêu trên.

- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

- Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc căn cứ theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

- Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

+ Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

+ Con thành niên mà không có khả năng lao động.

- Quy định nêu trên không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 6,148

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079