Trình tự, hồ sơ xử lý vi phạm điều lệnh Công an nhân dân

11/03/2023 15:55 PM

Xử lý vi phạm điều lệnh Công an nhân dân gồm những hình thức nào? Trình tự, hồ sơ xử lý vi phạm điều lệnh được quy định thế nào? - Hoàng Minh (Lâm Đồng)

Trình tự, hồ sơ xử lý vi phạm điều lệnh Công an nhân dân

Trình tự, hồ sơ xử lý vi phạm điều lệnh Công an nhân dân (Hình từ Internet)

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 02/2021/TT-BCA ngày 11/01/2021 quy định về xử lý vi phạm điều lệnh Công an nhân dân.

1. Các hình thức xử lý vi phạm điều lệnh Công an nhân dân

Theo Điều 7 Thông tư 02/2021/TT-BCA, Các hình thức xử lý vi phạm điều lệnh Công an nhân dân được quy định như sau:

(1) Đối với đơn vị vi phạm điều lệnh:

- Phê bình;

- Hạ bậc danh hiệu thi đua năm;

- Không xét tặng danh hiệu thi đua năm.

(2) Đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh:

- Phê bình;

- Hạ bậc danh hiệu thi đua năm;

- Không xét tặng danh hiệu thi đua năm;

- Xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ;

- Khiển trách;

- Cảnh cáo;

- Giáng cấp bậc hàm, hạ bậc lương;

- Cách chức, giáng chức;

- Tước danh hiệu Công an nhân dân.

2. Trình tự xử lý vi phạm điều lệnh công an nhân dân

Khoản 1 Điều 11 Thông tư 02/2021/TT-BCA quy định trình tự xử lý vi phạm điều lệnh công an nhân dân như sau:

- Đối với đơn vị vi phạm điều lệnh:

Đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp yêu cầu đơn vị vi phạm kiểm điểm, báo cáo về hành vi vi phạm và tự nhận hình thức xử lý; tổ chức thẩm tra, xác minh, kết luận về hành vi vi phạm, nếu vi phạm đã rõ thì không cần xác minh;

Căn cứ nội dung vi phạm để tổ chức họp xét cho phù hợp: Nếu xử lý bằng hình thức phê bình thì tổ chức họp đơn vị hoặc cán bộ chủ chốt (thành phần do thủ trưởng đơn vị cấp trên trực tiếp quyết định), sau đó ra thông báo bằng văn bản; 

Nếu xử lý bằng hình thức hạ bậc danh hiệu thi đua trong năm hoặc không xét tặng danh hiệu thi đua trong năm thì tổ chức họp Hội đồng thi đua, khen thưởng cấp trên trực tiếp (nếu không tổ chức họp thì xin ý kiến bằng văn bản);

Sau khi xử lý, báo cáo bằng văn bản về cơ quan điều lệnh cấp trên trực tiếp hoặc đơn vị ra thông báo.

- Đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh:

Lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp quản lý yêu cầu cán bộ, chiến sĩ vi phạm viết bản tự kiểm điểm về hành vi vi phạm và tự nhận hình thức xử lý vi phạm; tổ chức thẩm tra, xác minh, kết luận về hành vi vi phạm của cán bộ, chiến sĩ; nếu vi phạm đã rõ thì không cần xác minh. 

Căn cứ nội dung tự kiểm điểm của cán bộ, chiến sĩ và kết quả xác minh, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, xét thấy cần thiết phải tạm đình chỉ công tác của cán bộ, chiến sĩ vi phạm thì ra quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định;

Căn cứ nội dung vi phạm để tổ chức họp xét cho phù hợp: 

+ Nếu xử lý bằng hình thức phê bình thì tổ chức họp đơn vị hoặc cán bộ chủ chốt (thành phần do thủ trưởng đơn vị quyết định), sau đó ra thông báo bằng văn bản;

+ Nếu xử lý bằng hình thức hạ bậc danh hiệu thi đua năm hoặc không xét tặng danh hiệu thi đua năm thì tổ chức họp Hội đồng thi đua, khen thưởng cùng cấp (nếu không tổ chức họp thì xin ý kiến bằng văn bản); 

+ Nếu xử lý bằng hình thức xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về nhận xét, đánh giá và xếp loại cán bộ trong Công an nhân dân; 

+ Nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật từ khiển trách đến tước danh hiệu Công an nhân dân thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân;

Sau khi xử lý, báo cáo bằng văn bản về cơ quan điều lệnh cấp trên trực tiếp hoặc đơn vị ra thông báo. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển tài liệu cho cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Hồ sơ xử lý vi phạm điều lệnh công an nhân dân

Căn cứ khoản 3 Điều 11 Thông tư 02/2021/TT-BCA, hồ sơ xử lý vi phạm điều lệnh công an nhân dân bao gồm:

- Biên bản kiểm tra điều lệnh hoặc biên bản vi phạm điều lệnh; biên bản xác minh, các tài liệu chứng cứ khác (nếu có);

- Báo cáo kiểm điểm của đơn vị vi phạm điều lệnh; bản tự kiểm điểm, tường trình của cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh;

- Biên bản họp xét, đề nghị xử lý vi phạm; biên bản kiểm phiếu (nếu có);

- Quyết định xử lý, thông báo kết quả xử lý vi phạm.

Lưu ý: Hồ sơ tài liệu xử lý vi phạm điều lệnh do cơ quan tham mưu đề xuất xử lý vi phạm lưu trữ. Việc lưu trữ hồ sơ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác văn thư hành chính, hồ sơ lưu trữ văn bản quản lý nhà nước trong Công an nhân dân.

4. Thẩm quyền xử lý vi phạm điều lệnh công an nhân dân

Theo khoản 2 Điều 11 Thông tư 02/2021/TT-BCA, thẩm quyền xử lý vi phạm điều lệnh công an nhân dân được quy định như sau:

- Trường hợp có căn cứ xử lý bằng hình thức phê bình thì do thủ trưởng đơn vị (đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh) hoặc thủ trưởng đơn vị cấp trên trực tiếp (đối với đơn vị vi phạm điều lệnh) quyết định;

- Trường hợp có căn cứ xử lý bằng hình thức hạ bậc danh hiệu thi đua năm hoặc không xét tặng danh hiệu thi đua năm thì do Hội đồng thi đua, khen thưởng cùng cấp hoặc Hội đồng Thi đua, khen thưởng cấp trên trực tiếp quyết định;

- Trường hợp có căn cứ xử lý bằng hình thức xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về nhận xét, đánh giá và xếp loại cán bộ trong Công an nhân dân;

- Trường hợp có căn cứ xử lý bằng hình thức từ Khiển trách trở lên thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,549

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079