Hoạt động kinh doanh chứng khoán có phải đối tượng chịu thuế GTGT không? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 28 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và cung cấp dịch vụ về chứng khoán theo quy định tại Điều 86 Luật Chứng khoán 2019.
Các hoạt động kinh doanh chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm:
- Môi giới chứng khoán,
- Tự doanh chứng khoán,
- Bảo lãnh phát hành chứng khoán,
- Tư vấn đầu tư chứng khoán,
- Lưu ký chứng khoán,
- Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán,
- Quản lý công ty đầu tư chứng khoán,
- Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán,
- Dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán,
- Dịch vụ liên quan đến chứng khoán đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam,
- Cho khách hàng vay tiền để thực hiện giao dịch ký quỹ,
- Ứng trước tiền bán chứng khoán và hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
(Điểm c khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC)
Căn cứ tại Điều 86 Luật Chứng khoán 2019 có những dịch vụ về chứng khoán như sau:
* Đối với công ty chứng khoán:
(i) Công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán được cung cấp các dịch vụ sau đây:
- Nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân; thực hiện phân phối hoặc làm đại lý phân phối chứng khoán; quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán; cung ứng dịch vụ quản lý danh sách người sở hữu chứng khoán cho các doanh nghiệp khác;
- Cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến; cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán hoặc cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán;
Cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán; lưu ký chứng khoán; bù trừ và thanh toán chứng khoán; các dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh.
(ii) Công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán được giao dịch chứng khoán trên tài khoản tự doanh chứng khoán và được đầu tư, góp vốn, phát hành, chào bán các sản phẩm tài chính.
(iii) Công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán được cung cấp dịch vụ:
- Tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán, thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán;
- Đại lý lưu ký, thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán;
- Tư vấn tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại, mua bán doanh nghiệp;
- Tư vấn quản trị, tư vấn chiến lược doanh nghiệp;
- Tư vấn chào bán, niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán;
- Tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp.
(iv) Công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán được ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho khách hàng theo quy định tại khoản 32 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019.
Ngoài các dịch vụ quy định tại (i), (ii), (iii) và (iv), công ty chứng khoán chỉ được cung cấp dịch vụ tài chính khác phù hợp với quy định của pháp luật sau khi báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bằng văn bản.
* Đối với công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán:
Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được huy động và quản lý các quỹ đầu tư nước ngoài có mục tiêu đầu tư vào Việt Nam, quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện theo quy định của pháp luật có liên quan, cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến.
* Đối với chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam:
Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam chỉ được thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán.
* Đối với chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam:
Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam chỉ được cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cho vốn huy động tại nước ngoài.
Nguyễn Thị Hoài Thương