Hướng dẫn theo dõi sức khỏe với F0 điều trị tại nhà? Thuốc điều trị covid-19 tại nhà

14/04/2023 10:46 AM

Gần đây số ca covid-19 tăng trở lại, xin hướng dẫn tôi cách theo dõi sức khỏe với F0 điều trị tại nhà và thuốc điều trị covid-19 tại nhà thì có những loại nào? - Minh Thuận (TPHCM)

Nội dung hướng dẫn theo dõi sức khỏe với F0 điều trị tại nhà và hướng dẫn điều trị covid-19 tại nhà được đề cập tại Quyết định 604/QĐ-BYT năm 2022.

Hướng dẫn theo dõi sức khỏe với F0 điều trị tại nhà? Các loại thuốc điều trị covid-19 tại nhà?

Hướng dẫn theo dõi sức khỏe với F0 điều trị tại nhà? Các loại thuốc điều trị covid-19 tại nhà? (Hình từ internet)

Hướng dẫn theo dõi sức khỏe với F0 điều trị tại nhà là trẻ dưới 5 tuổi

Theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), mầu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.

Dấu hiệu bất thường: Phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.

(1) Tinh thần: trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật.

(2) Sốt cao liên tục > 39oC và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ.

(3) Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi:

- Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút;

- Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút;

- Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.

(4) Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn…

(5) SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)

(6) Tím tái

(7) Mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít…

(8) Nôn mọi thứ

(9) Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được

(10) Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng…

(11) Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh.

Hướng dẫn theo dõi sức khỏe với F0 điều trị tại nhà là trẻ từ 5-16 tuổi

Theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), màu sắc da, niêm mạc, ăn uống, ho, đau ngực, đau bụng, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài), mất khứu giác, thính giác.

Dấu hiệu bất thường: Phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.

(1) Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút

(2) Thở bất thường: co kéo hõm ức, liên sườn…

(3) SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)

(4) Cảm giác khó thở

(5) Ho thành cơn không dứt

(6) Đau tức ngực

(7) Không ăn/uống được

(8) Nôn mọi thứ

(9) Tiêu chảy

(10) Trẻ mệt, không chịu chơi

(11) Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ

(12) Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh.

Hướng dẫn theo dõi sức khỏe với F0 điều trị tại nhà người trên 16 tuổi

Theo dõi các dấu hiệu: Chỉ số: nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể).

Các triệu chứng: mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; các triệu chứng khác như đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ…

Dấu hiệu bất thường: Phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay với cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà/cơ sở lưu trú: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa người mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.

(1) Khó thở, thở hụt hơi.

(2) Nhịp thở ≥ 20 lần/phút.

(3) SpO2 ≤ 96%.

(4) Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.

(5) Huyết áp thấp: huyết áp tâm thu < 90 mmHg, huyết áp tâm trương < 60 mmHg (nếu có thể đo).

(6) Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

(7) Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

(8) Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, co giật.

(9) Không thể ăn uống do nôn nhiều.

(10) Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người mắc COVID-19 mà thấy cần khám, chữa bệnh.

Hướng dẫn điều trị F0 tại nhà, các loại thuốc điều trị covid-19 tại nhà

Tùy theo tình trạng bệnh mà người bệnh sử dụng các loại thuốc điều trị covid-19 tại nhà theo hướng dẫn dưới đây:

(i) Thuốc hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 38,50 C hoặc đau đầu nhiều:

- Người lớn: paracetamol, mỗi lần 01 viên 500mg hoặc 10-15 mg/kg, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ. Lưu ý tổng liều thuốc không vượt quá 4g (4000mg)/ngày.

- Trẻ em: paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (uống hoặc đặt hậu môn), cách tối thiểu 4 - 6 giờ nếu cần nhắc lại (hoặc sử dụng liều theo tuổi nếu không biết cân nặng của trẻ, chi tiết trong Phụ lục số 02); Lưu ý tổng liều thuốc không vượt quá 60 mg/kg/ngày.

(ii) Dung dịch cân bằng điện giải khi mất nước (do sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi): Khuyến khích người mắc COVID-19 uống nhiều nước, có thể sử dụng nước trái cây hoặc Oresol (pha và dùng theo đúng hướng dẫn), nếu không muốn uống Oresol có thể thay thế bằng nước đun sôi để nguội, nước trái cây. Không sử dụng các dung dịch nước ngọt công nghiệp (không sản xuất từ hoa quả) để bù nước;

(iii) Tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh.

(iv) Dùng các thuốc điều trị triệu chứng khi cần thiết:

- Ho nhiều: Có thể dùng các thuốc giảm ho từ thảo dược, hoặc thuốc giảm ho đơn thuần, hoặc thuốc giảm ho kết hợp kháng histamin…. Lưu ý chỉ định, chống chỉ định và các cảnh báo/thận trong khi sử dụng thuốc

- Ngạt mũi, sổ mũi: xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorua 0,9%.

- Tiêu chảy: chế phẩm vi sinh có lợi cho đường ruột (probiotic), men tiêu hóa.

(v) Với người đang được sử dụng các thuốc điều trị bệnh nền theo đơn ngoại trú: tiếp tục sử dụng theo hướng dẫn.

(vi) Các thuốc khác: thuốc kháng vi rút… dùng khi có chỉ định, kê đơn theo quy định hiện hành.

(vii) Lưu ý:

- Không tự ý dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm… khi chưa có chỉ định, kê đơn.

- Không xông cho trẻ em.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,140

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079