Có bao nhiêu hình thức giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 133 Luật Bảo vệ môi trường 2020, bồi thường thiệt hại về môi trường được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên.
Trong trường hợp không thương lượng được, các bên có thể lựa chọn giải quyết thông qua các hình thức sau đây:
- Hòa giải;
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài;
- Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.
Như vậy, có tất cả là 4 hình thức giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường.
Lưu ý: Việc giải quyết tại Tòa án được thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng và pháp luật về tố tụng dân sự, trừ các quy định về việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra.
Việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại xảy ra thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, gây ô nhiễm về môi trường.
Chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường quy định tại điểm a khoản 1 Điều 130 Luật Bảo vệ môi trường 2020 được tính căn cứ vào các nội dung sau đây:
(i) Chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;
(ii) Chi phí xử lý, cải tạo môi trường;
(iii) Chi phí giảm thiểu, triệt tiêu nguồn gây thiệt hại hoặc tổ chức ứng phó sự cố môi trường;
(iv) Chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục bồi thường thiệt hại về môi trường;
(v) Tùy điều kiện cụ thể có thể áp dụng quy định tại (i), (ii), (iii) và (iv) để tính chi phí thiệt hại về môi trường, làm căn cứ để bồi thường và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường
Trong đó, chi phí bồi thường thiệt hại do tổ chức, cá nhân chi trả trực tiếp hoặc nộp về Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh để tổ chức chi trả.
(Điều 134 Luật Bảo vệ môi trường 2020)
Cơ quan yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường có trách nhiệm thực hiện các nội dung dung sau đây:
- Tiếp nhận thông báo về việc môi trường có dấu hiệu bị ô nhiễm, suy thoái. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, cơ quan tiếp nhận phải chuyển ngay thông báo và các tài liệu kèm theo đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường để giải quyết.
- Kiểm tra, xác minh thông tin, lập biên bản về các dấu hiệu môi trường bị ô nhiễm, suy thoái. Biên bản phải có xác nhận của cán bộ xác minh, đại diện của dân cư nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã trong trường hợp cơ quan giải quyết là Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên.
- Xác định tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.
- Tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 131 Luật Bảo vệ môi trường 2020, cụ thể như sau:
+ Tổ chức thực hiện hoặc thuê đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để thu thập dữ liệu, chứng cứ; xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại; tính toán thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái;
+ Thành lập hội đồng thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường theo quy định tại Điều 114 Nghị định 08/2022/NĐ-CP;
+ Đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại dựa trên kết quả tư vấn của hội đồng thẩm định dữ liệu, chứng cứ.
- Thực hiện xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường trong trường hợp được tổ chức, cá nhân ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự.
(Điều 113 Nghị định 08/2022/NĐ-CP)