Thời hạn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường

12/09/2023 14:32 PM

Tôi muốn biết thời hạn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường là bao lâu? – Thành Lâm (Kiên Giang)

Thời hạn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường

Thời hạn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Có bao nhiêu hình thức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường?

Theo điểm b khoản 1 Điều 163 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, hình thức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường gồm: kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất.

Cụ thể:

- Hoạt động kiểm tra định kỳ được thực hiện theo kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Hoạt động kiểm tra đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường.

Không báo trước quyết định thành lập đoàn kiểm tra khi có căn cứ cho rằng việc báo trước dẫn tới đối tượng kiểm tra tẩu tán tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, làm giảm hiệu quả hoạt động của đoàn kiểm tra hoặc theo yêu cầu của người ra quyết định.

Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tiến hành hoạt động kiểm tra đột xuất khi có căn cứ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường.

2. Thời hạn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường

Thời hạn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 163 Nghị định 08/2022/NĐ-CP như sau:

- Đối với một tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tối đa không quá 07 ngày, kể từ ngày bắt đầu tiến hành kiểm tra tại nơi được kiểm tra.

- Trường hợp vụ việc phức tạp, phạm vi kiểm tra rộng, thời hạn kiểm tra là 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu tiến hành kiểm tra.

Lưu ý: Thời hạn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường không bao gồm thời gian phân tích, giám định, kiểm định mẫu môi trường (nếu có).

3. Thẩm quyền kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường

Thẩm quyền kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được quy định như sau:

(i) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra đột xuất không báo trước theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường;

(ii) Thủ trưởng cơ quan có chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, trừ trường hợp quy định tại (i);

(iii) Thủ trưởng cơ quan có chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trực thuộc Bộ Quốc phòng thành lập và tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng;

(iv) Thủ trưởng cơ quan có chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trực thuộc Bộ Công an thành lập và tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về an ninh;

(v) Thủ trưởng cơ quan Công an, đơn vị Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường có thẩm quyền thành lập và tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP và pháp luật về cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, trừ các trường hợp kiểm tra quy định tại (iv);

(vi) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thành lập đoàn kiểm tra đột xuất không báo trước theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường;

(vii) Thủ trưởng cơ quan có chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại (vi);

(vii) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân và đối tượng thuộc thẩm quyền tiếp nhận đăng ký môi trường trên địa bàn.

(Khoản 2 Điều 163 Nghị định 08/2022/NĐ-CP)

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,697

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079