Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 thì mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Ngày 27/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, từ ngày 01/12/2023, các đối tượng báo cáo khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn từ 400.000.000 (bốn trăm triệu) đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, theo quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 thì đối tượng báo cáo bao gồm:
(1) Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:
- Nhận tiền gửi;
- Cho vay;
- Cho thuê tài chính;
- Dịch vụ thanh toán;
- Dịch vụ trung gian thanh toán;
- Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền;
- Bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính;
- Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ;
- Môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán;
- Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán;
- Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ;
- Đổi tiền.
(2) Đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:
- Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược;
- Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản;
- Kinh doanh kim khí quý, đá quý;
- Kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư;
- Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.
Như vậy, căn cứ các quy định được trình dẫn nêu trên thì có thể thấy trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước đối với các các giao dịch có giá trị lớn từ 400 triệu đồng trở lên thuộc tổ chức tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.
Cá nhân, tổ chức thực hiện giao dịch có giá trị lớn từ 400 triệu đồng trở lên không thuộc đối tượng báo cáo quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 thì không có trách nhiệm báo cáo với Ngân hàng Nhà nước về giao dịch đó. Đồng nghĩa, cá nhân, tổ chức có giao dịch gửi tiền vào ngân hàng hay rút tiền từ ngân hàng từ 400 triệu trở lên không phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước mà ngân hàng sẽ có trách nhiệm phải thực hiện báo cáo với Ngân hàng Nhà nước theo quy định nêu trên đối với giao dịch này.
Gửi, rút tiền ngân hàng từ 400 triệu trở lên phải báo cáo NHNN? (Hình từ internet)
Mẫu báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo trong phòng chống rửa tiền được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 09/2023/TT-NHNN.
MẪU BÁO CÁO GIAO DỊCH CÓ GIÁ TRỊ LỚN PHẢI BÁO CÁO |
Hướng dẫn:
(1) Ký hiệu loại giao dịch
C. Khách hàng thực hiện giao dịch nộp/gửi tiền mặt vào tài khoản hoặc sử dụng tiền mặt thực hiện giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ do đối tượng báo cáo cung cấp;
D. Khách hàng thực hiện giao dịch rút tiền mặt từ tài khoản hoặc nhận tiền mặt từ đối tượng báo cáo;
(2) Họ và tên (đối với khách hàng là cá nhân), tên đầy đủ và tên viết tắt (nếu có) (đối với khách hàng là tổ chức).
(3) Địa chỉ thường trú đối với khách hàng cá nhân thực hiện giao dịch, địa chỉ trụ sở chính đối với khách hàng tổ chức thực hiện giao dịch;
(4) Quốc gia/Quốc tịch của khách hàng thực hiện giao dịch (02 ký tự theo chuẩn ISO-3166).
(5) Ngày, tháng, năm sinh của khách hàng là cá nhân thực hiện giao dịch,
(6) Số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân hoặc hộ chiếu đối với khách hàng là cá nhân thực hiện giao dịch,
(7) Mã số doanh nghiệp hoặc mã số thuế hoặc số giấy phép thành lập hoặc quyết định thành lập đối với khách hàng là tổ chức thực hiện giao dịch,
(8) Loại hàng hóa, dịch vụ do đối tượng báo cáo cung cấp cho khách hàng (Ví dụ: Căn hộ, Thửa đất, Vàng miếng, Vàng trang sức, ...) mà khách hàng sử dụng tiền mặt để mua hàng hóa, dịch vụ đó,
(9) Số lượng và đơn vị tính của hàng hóa, dịch vụ do đối tượng báo cáo cung cấp cho khách hàng (Ví dụ: 100m2, 10 gram, 05 vé số, đồng tiền quy ước trong hoạt động trò chơi có thưởng,...) mà khách hàng sử dụng tiền mặt để mua hàng hóa, dịch vụ đó;
(10) Số tiền thực hiện giao dịch;
(11) Ký hiệu loại tiền thực hiện giao dịch (03 kí tự theo chuẩn ISO-4217);
(12) Nếu là ngoại tệ thì quy đổi về đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán mua và tỷ giá hạch toán bán của đối tượng báo cáo;
(13) Số tài khoản của khách hàng khi thực hiện giao dịch;
(14) Ghi rõ địa điểm thực hiện giao dịch của khách hàng với đối tượng báo cáo;
(15) Nêu rõ lý do, mục đích khách hàng thực hiện giao dịch đối với giao dịch sử dụng tiền mặt để mua hàng hóa, dịch vụ do đối tượng báo cáo cung cấp; đối với giao dịch nộp/gửi tiền mặt vào tài khoản, giao dịch rút tiền mặt từ tài khoản, nhận tiền mặt từ đối tượng báo cáo thì ghi nội dung giao dịch;
(16) Mã số thực hiện giao dịch (nếu có), trường hợp là các hợp đồng, thỏa thuận pháp lý giữa cá nhân, tổ chức thì ghi số hợp đồng, số thỏa thuận pháp lý đó;
(17) Thông tin bổ sung cho quốc tịch, số giấy tờ nhận dạng khác (nếu có), thông tin khác (nếu có);
(18) Tổng giám đốc/Giám đốc hoặc người được ủy quyền đối với đối tượng báo cáo là tổ chức; Cá nhân hoặc người được cá nhân ủy quyền đối với đối tượng báo cáo là cá nhân
Lưu ý:
- Báo cáo từng giao dịch của khách hàng có tổng giá trị giao dịch (theo từng loại ký hiệu giao dịch C hoặc D nêu trên) trong một ngày bằng hoặc vượt mức quy định,
- Trường hợp khách hàng nộp ngoại tệ tiền mặt có giá trị lớn để mua đồng Việt Nam hoặc nộp tiền mặt bằng đồng Việt Nam có giá trị lớn để mua ngoại tệ tiền mặt thì chỉ báo cáo giao dịch nộp tiền mặt,
- Ghi đầy đủ, chi tiết từng cột. Nếu không có thông tin, ghi "Không".