Khi nào thành lập Hội đồng Kiểm toán nhà nước?

09/12/2023 14:45 PM

Xin cho tôi hỏi khi nào thành lập Hội đồng Kiểm toán nhà nước? Nguyên tắc và cách thức làm việc của Hội đồng thế nào? - Ngọc Nhi (Bình Phước)

Khi nào thành lập Hội đồng Kiểm toán nhà nước? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Khi nào thành lập Hội đồng Kiểm toán nhà nước?

Theo Điều 18 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 quy định về việc thành lập và giải thể Hội đồng Kiểm toán nhà nước như sau:

- Hội đồng Kiểm toán nhà nước được thành lập khi cần thiết để tư vấn cho Tổng Kiểm toán nhà nước thẩm định các báo cáo kiểm toán quan trọng; giúp Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện tái thẩm định các báo cáo kiểm toán theo kiến nghị của đơn vị được kiểm toán, giải quyết khiếu nại về báo cáo kiểm toán.

- Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định thành lập Hội đồng Kiểm toán nhà nước, quyết định thành viên và quy chế làm việc của Hội đồng. Hội đồng Kiểm toán nhà nước do một Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch. Căn cứ từng trường hợp cụ thể, Tổng Kiểm toán nhà nước được mời các chuyên gia không thuộc Kiểm toán nhà nước tham gia Hội đồng.

- Hội đồng Kiểm toán nhà nước tự giải thể khi kết thúc nhiệm vụ.

Như vậy, theo quy định nêu trên, Hội đồng Kiểm toán nhà nước được thành lập khi cần thiết để tư vấn cho Tổng Kiểm toán nhà nước thẩm định các báo cáo kiểm toán quan trọng; giúp Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện tái thẩm định các báo cáo kiểm toán theo kiến nghị của đơn vị được kiểm toán, giải quyết khiếu nại về báo cáo kiểm toán.

2. Nguyên tắc và cách thức làm việc của Hội đồng thế nào?

Nguyên tắc làm việc của Hội đồng Kiểm toán nhà nước được quy định theo Điều 19 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 như sau:

- Làm việc theo chế độ tập thể.

- Quyết định theo đa số, ý kiến thiểu số được bảo lưu và báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước.

- Biên bản và các tài liệu của Hội đồng Kiểm toán nhà nước được bảo quản, lưu giữ trong hồ sơ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Bên cạnh đó, Điều 4 Quy chế làm việc của Hội đồng Kiểm toán Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 06/2008/QĐ-KTNN 2008 có quy định về nguyên tắc và cách thức làm việc của Hội đồng như sau:

- Đảm bảo nguyên tắc làm việc theo quy định tại Điều 26 Luật Kiểm toán nhà nước 2015, cụ thể như sau:

+ Thảo luận tập thể, biểu quyết theo đa số, ý kiến thiểu số được bảo lưu và báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước;

+ Các ý kiến của thành viên Hội đồng được ghi vào biên bản của Hội đồng. Biên bản và các tài liệu khác của Hội đồng được bảo quản, lưu giữ trong hồ sơ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

- Hội đồng chỉ họp khi phải có ít nhất 2/3 số thành viên có mặt, trong đó có Chủ tịch Hội đồng.

- Kết quả biểu quyết phải được ít nhất 2/3 số thành viên có mặt của Hội đồng tán thành.

3. Tiêu chuẩn chung của Kiểm toán nhà nước gồm những gì? 

Tại Điều 21 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 quy định Kiểm toán viên nhà nước phải bảo đảm các tiêu chuẩn của công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các tiêu chuẩn sau đây:

- Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kiểm toán, kế toán, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật hoặc chuyên ngành khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán;

- Đã có thời gian làm việc liên tục từ 05 năm trở lên theo chuyên ngành được đào tạo hoặc có thời gian làm nghiệp vụ kiểm toán ở Kiểm toán nhà nước từ 03 năm trở lên, không kể thời gian tập sự;

- Có chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 901

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079