Tài sản của người bị tuyên bố là đã chết được xử lý thế nào?

08/12/2023 13:45 PM

Xin cho tôi hỏi theo quy định của pháp luật thì tài sản của người bị tuyên bố là đã chết được xử lý thế nào? - Ngọc Châu (Thanh Hóa)

Tài sản của người bị tuyên bố là đã chết được xử lý thế nào?

Tài sản của người bị tuyên bố là đã chết được xử lý thế nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Khi nào một người bị tuyên bố là đã chết?

Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:

- Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

- Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

- Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015.

Căn cứ vào các trường hợp quy định trên, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết.

Quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

(Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015)

2. Tài sản của người bị tuyên bố là đã chết được xử lý thế nào?

Cụ thể tại Điều 72 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết như sau:

- Khi quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.

- Quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Theo đó, tài sản của người bị tuyên bố là đã chết được xử lý như sau:

* Chia thừa kế theo di chúc: Nếu trước khi mất tích, người này có để lại di chúc để phân định tài sản của mình thì những người có tên trong di chúc có thể được phân chia di sản theo di chúc, trừ các trường chia thừa kế theo pháp luật.

* Chia thừa kế theo pháp luật: Những trường hợp được chia thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

+ Không có di chúc;

+ Di chúc không hợp pháp;

+ Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

+ Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

- Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

+ Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

+ Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

+ Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,118

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079