Theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì các loại vàng được phép mua bán bao gồm vàng trang sức, mỹ nghệ và vàng miếng:
- Vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật.
- Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước) cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.
Quy định về mua bán vàng năm 2024 (Hình từ internet)
Căn cứ quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì tùy vào loại vàng mà người dân có nhu cầu mua bán là vàng trang sức, mỹ nghệ hay vàng miếng mà địa điểm mua bán sẽ có sự khác nhau, cụ thể:
- Đối với vàng trang sức, mỹ nghệ thì người dân thực hiện mua bán tại các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ trên cả nước.
- Đối với vàng miếng thì người dân chỉ được thực hiện mua bán tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng (căn cứ Điều 10 Nghị định 24/2012/NĐ-CP).
Như đã nêu ở trên thì người dân chỉ được thực hiện mua bán vàng miếng tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Đồng nghĩa, người dân không được mua bán vàng miếng tại các tổ chức, doanh nghiệp không được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt.
Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP thì người dân có hành vi mua bán vàng miếng tại các tổ chức, doanh nghiệp không được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ bị xử phạt như sau:
- Trường hợp mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ bị xử phạt cảnh cáo.
- Trường hợp mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần cá nhân.
Căn cứ Điều 11 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng như sau:
(1) Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
- Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.
- Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).
- Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
(2) Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.
- Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.
- Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Căn cứ Điều 8 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ.