Hướng dẫn tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc mới nhất

20/02/2024 09:00 AM

Cho tôi hỏi việc tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc mới nhất được quy định như thế nào? - Tấn Hùng (TPHCM)

Hướng dẫn tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc mới nhất

Hướng dẫn tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Trách nhiệm tổ chức đối thoại tại nơi làm việc

Trách nhiệm tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo Điều 37 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) để tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019.

Ở nơi làm việc có người lao động không tham gia là thành viên của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để những người lao động này tự lựa chọn thành viên đại diện cho họ (sau đây gọi là nhóm đại diện đối thoại của người lao động) để tham gia đối thoại với người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019. Số lượng thành viên nhóm đại diện đối thoại của người lao động xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định cụ thể trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc các nội dung chủ yếu sau để tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019:

+ Nguyên tắc đối thoại tại nơi làm việc;

+ Số lượng, thành phần tham gia đối thoại của mỗi bên theo quy định tại Điều 38 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;

+ Số lần, thời gian tổ chức đối thoại định kỳ hằng năm;

+ Cách thức tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên, đối thoại khi có vụ việc;

+ Trách nhiệm của các bên khi tham gia đối thoại theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019;

+ Việc áp dụng quy định tại Điều 176 Bộ luật Lao động 2019 đối với các thành viên đại diện tham gia đối thoại bên người lao động mà không phải là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

+ Nội dung khác (nếu có).

- Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 37 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm:

+ Cử đại diện bên người sử dụng lao động tham gia đối thoại tại nơi làm việc theo quy định;

+ Bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện vật chất cần thiết khác để tổ chức các cuộc đối thoại tại nơi làm việc;

+ Báo cáo tình hình thực hiện đối thoại và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước về lao động khi được yêu cầu.

- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động có trách nhiệm:

+ Cử thành viên đại diện tham gia đối thoại theo quy định;

+ Tham gia ý kiến với người sử dụng lao động về nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;

+ Lấy ý kiến người lao động, tổng hợp và chuẩn bị nội dung đề nghị đối thoại;

+ Tham gia đối thoại với người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019, Nghị định 145/2020/NĐ-CP và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

- Khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại ngoài những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019 phù hợp với điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động tại nơi làm việc và quy định cụ thể trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

2. Hướng dẫn tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc mới nhất

Việc tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo Điều 39 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động tổ chức đối thoại định kỳ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019 và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

- Thành phần tham gia đối thoại định kỳ là đại diện hai bên theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Thời gian, địa điểm, cách thức tổ chức đối thoại định kỳ do hai bên sắp xếp phù hợp với điều kiện thực tế và theo quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

- Chậm nhất 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu tổ chức đối thoại định kỳ, các bên có trách nhiệm gửi nội dung đối thoại cho bên tham gia đối thoại.

- Đối thoại định kỳ chỉ được tiến hành khi bên người sử dụng lao động có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền và bên người lao động có sự tham gia của trên 70% tổng số thành viên đại diện quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định 145/2020/NĐ-CP

Diễn biến đối thoại phải được ghi thành biên bản và có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền và chữ ký của người đại diện từng tổ chức đại diện người lao động (nếu có) và của người đại diện cho nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có).

- Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố công khai tại nơi làm việc những nội dung chính của đối thoại; tổ chức đại diện người lao động (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) phổ biến những nội dung chính của đối thoại đến người lao động là thành viên.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,896

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079