Có bao nhiêu giải Nobel? Việt Nam có ai từng đoạt giải Nobel chưa? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Alfred Nobel là nhà khoa học sở hữu 355 bằng sáng chế, trong đó đáng chú ý nhất là phát minh về thuốc nổ. Cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, ông đã đạt tới đỉnh cao của vinh quang và sự giàu có. Sau khi qua đời vào năm 1896, Alfred Nobel đã để lại một bản di chúc, trong đó ông quyết định dành gần như toàn bộ tài sản (khoảng 70 triệu krona Thụy Điển lúc đó) để gửi ngân hàng. Tiền lãi hàng năm sẽ được trích ra để trao cho các nhà khoa học “có những đóng góp lớn lao cho nhân loại”.
Theo di chúc của Alfred Nobel, giải thưởng được trao cho 5 lĩnh vực: vật lý, hóa học, sinh học (hoặc y học), văn chương và hòa bình. Đặc biệt là giải hoà bình có thể được trao cho tổ chức hay cho cá nhân. Năm 1968, có thêm giải thưởng thứ 6 về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel.
Từ năm 1901 đến năm 2023, Giải thưởng Nobel và Giải thưởng Khoa học kinh tế đã được trao 621 lần cho 1.000 cá nhân và tổ chức. Với một số người đã nhận giải Nobel nhiều lần, tổng cộng có 965 cá nhân và 27 tổ chức.
Người Việt Nam từng được trao giải Nobel là ông Lê Đức Thọ (khi đó là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1973, ông Lê Đức Thọ được Ủy ban Nobel trao Giải Nobel hòa bình cùng với Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Tại thời điểm đó, đây là 2 thành viên chủ chốt trong các cuộc đàm phán để đi đến Hiệp định Paris được ký vào tháng 01/1973, nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải thưởng này.
Chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ được quy định tại Điều 6 Luật Khoa học công nghệ 2013 quy định như sau:
Nhà nước thực hiện các chính sách sau đây nhằm bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu:
- Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ; áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm phát huy vai trò then chốt và động lực của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân;
- Phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; gắn nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề hình thành và phát triển kinh tế tri thức;
- Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến và hiện đại, nghiên cứu làm chủ và tạo ra công nghệ mới nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của sản phẩm;
- Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, chú trọng lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm quốc gia; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển, đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực khoa học và công nghệ;
- Tạo điều kiện phát triển thị trường khoa học và công nghệ;
- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ;
- Khuyến khích, tạo điều kiện để hội khoa học và kỹ thuật, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội và hoạt động khoa học và công nghệ;
- Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ; nâng cao vị thế quốc gia về khoa học và công nghệ trong khu vực và thế giới.
Đoàn Đức Tài