Kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Hình từ internet)
Ngày 12/3/2024, Bộ Y tế ra Quyết định 579/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm lao trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng.
Nội dung tài liệu thể hiện bệnh lao là một bệnh lây nhiễm do vi khuẩn lao gây nên. Bệnh lao có thể gây tổn thương ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến (chiếm 80%-85%), nguồn lây chính cho người xung quanh. Bệnh lao lây qua đường không khí do hít phải các hạt nhỏ có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi, khí dung. Bệnh có thể gây tử vong, nhưng có thể điều trị khỏi và dự phòng.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh lao quy định trong tài liệu chuyên môn đính kèm Quyết định được xây dựng dựa trên nguyên tắc chung đối với các bệnh truyền nhiễm khác.
Theo Bộ y tế, bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người, do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm gây ra. Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có thể là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm.
Tùy theo mức độ nặng – nhẹ, Bệnh truyền nhiễm được phân loại thành các nhóm A, B, C được xác định lần lượt với mức độ đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm và ít nguy hiểm.
Một số bệnh điển hình của các nhóm:
Nhóm A: Bệnh bại liệt, Cúm A-H5N1, dịch hạch, đậu mùa, sốt xuất huyết,…
Nhóm B: HIV/AIDS, bạch hầu, cúm, ho gà,…
Nhóm C: Giang mai, sán lá gan, bệnh lậu, bệnh mắt hột,…
Để phòng ngừa hiệu quả bệnh lây nhiễm, tại Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 Quốc hội đã quy định biện pháp phòng ngừa và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan như sau:
- Cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm;
- Diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Phòng hộ cá nhân, vệ sinh cá nhân;
- Các biện pháp chuyên môn khác theo quy định của pháp luật.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp theo từng nhóm bệnh; chăm sóc toàn diện người mắc bệnh truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ;
- Tổ chức thực hiện các biện pháp diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Bảo đảm trang phục phòng hộ, điều kiện vệ sinh cá nhân cho thầy thuốc, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh;
- Theo dõi sức khỏe của thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
- Thông báo thông tin liên quan đến người mắc bệnh truyền nhiễm cho cơ quan y tế dự phòng cùng cấp;
- Thực hiện các biện pháp chuyên môn khác theo quy định của pháp luật.
Thầy thuốc và nhân viên y tế
- Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm;
- Tư vấn về các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người bệnh và người nhà người bệnh;
- Giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.
Người bệnh, người nhà người bệnh
**Người bệnh có trách nhiệm:
- Khai báo trung thực diễn biến bệnh;
- Tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
**Người nhà người bệnh có trách nhiệm thực hiện chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Xem chi tiết tại Quyết định 579/QĐ-BYT.
Trương Quang Vĩnh